Ồ ạt đề xuất đưa vào quy hoạch các cảng hàng không mới
1/3/2021 10:53
Cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 liên tiếp nhận được đề xuất bổ sung sân bay mới.
Kỳ vọng “đổi đời” từ sân bay
Bắc Giang là địa phương mới nhất gia nhập danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương muốn sở hữu một cảng hàng không trên địa bàn.
Cụ thể, mới đây, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung và cho phép chuyển sân bay Kép từ sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, sử dụng cho cả mục đích dân sự; bổ sung sân bay này vào Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lý giải sự cần thiết của việc chuyển đổi này, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho rằng, mật độ sân bay tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi, còn khá thưa. Hiện Bắc Giang, Lạng Sơn và vùng lân cận chủ yếu sử dụng sân bay Nội Bài, song sân bay này đã có hiện tượng quá tải; hơn nữa, khoảng cách từ Bắc Giang, Lạng Sơn di chuyển đến sân bay Nội Bài khá xa (khoảng 150 km).
“Nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu Lạng Sơn cũng như phục vụ sản xuất và nhu cầu của nhân dân không ngừng gia tăng, nếu sân bay Kép được khai thác dân dụng sẽ giải quyết được vấn đề tăng cường giao dịch thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng nói chung và Bắc Giang nói riêng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cùng với lý do trên, UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ GTVT quy hoạch cảng hàng không Hà Giang vào hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang muốn quy hoạch sân bay Hà Giang (tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang) theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và tiêu chuẩn hàng không dân dụng cấp 4C. Sân bay có diện tích khoảng 388 ha, trong đó, phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha.
Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), chỉ sau khoảng 1 tháng xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã có một số địa phương xin bổ sung vào Quy hoạch các sân bay trên địa bàn, như Bắc Giang, Hà Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Ninh Thuận.
Xem xét thận trọng
Cần phải nói thêm rằng, các đề xuất xây dựng cảng hàng không mới hoặc chuyển sân bay dân dụng thành sân bay lưỡng dụng đều nằm ngoài danh sách các cảng hàng không được đưa vào Dự thảo Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không (14 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa), giảm 2 cảng so với số lượng được đặt ra theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong định hướng đến năm 2050, cả nước có 30 cảng hàng không (15 cảng quốc tế, 15 cảng nội địa). So với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống cảng hàng không toàn quốc được bổ sung thêm 4 cảng, gồm: Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 cho Vùng Thủ đô (sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040). Trong danh sách này, không có tên cảng hàng không Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Giang, Ninh Thuận, Trà Vinh.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, với quy hoạch nói trên, đến năm 2030, tỷ lệ dân số Việt Nam tiếp cận cảng hàng không trong bán kính 100 km là khoảng 95,94%, cao hơn mức bình quân thế giới (75%).
Theo ông Nguyễn Bách Tùng, nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng hàng không, có thể chia sẻ với các địa phương về nhu cầu có sân bay trên địa bàn. Tuy nhiên, việc có đưa vào quy hoạch hay không, hoặc đưa vào quy hoạch thì bao giờ triển khai cần tính toán rất kỹ.
“Ngoài việc cần một lượng kinh phí rất lớn, lên tới hàng trăm triệu USD, diện tích đất chiếm dụng 200 – 500 ha để xây 1 sân bay có quy mô 2 – 3 triệu lượt hành khách/năm, trong trường hợp công trình được đưa vào quy hoạch đầu tư sau 20 – 30 năm nữa, thì cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân vùng dự án sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển quyền sử dụng đất hoặc việc xây dựng các công trình kiên cố sẽ bị đóng băng”, ông Tùng phân tích.