Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc: Lập Hội đồng thẩm định liên ngành

19/03/2021 08:57

 

Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư.

Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương: Giao thông Vận tải; Tài chính; Xây dựng; Công an, Quốc phòng; Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND tỉnh Đồng Nai; UBND tỉnh Lâm Đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.

 

Hội đồng thẩm định liên ngành có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định; rà soát, xem xét toàn diện cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định pháp luật; xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu phục vụ nhiệm vụ thẩm định.

Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng; phiên họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền).

 

Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc: Lập Hội đồng thẩm định liên ngành

Kết luận thông qua các nội dung thẩm định phải được tối thiểu 50% số thành viên Hội đồng biểu quyết thông qua (bao gồm cả số thành viên có mặt tại phiên họp và số thành viên biểu quyết bằng văn bản). Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50% số thành viên Hội đồng tham gia biểu quyết thì nội dung thẩm định sẽ được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Kết luận cuối cùng thông qua báo cáo kết quả thẩm định phải được tối thiểu 2/3 số thành viên Hội đồng biểu quyết (bao gồm cả số thành viên có mặt tại phiên họp và số thành viên biểu quyết bằng văn bản).

 

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

Trước đó, ngày 22-1-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và các Bộ ngành liên quan về

Theo đó, tuyến đường cao tốc khi được xây dựng có chiều dài 200,3km. Điểm đầu nối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương – Prenn (TP. Đà Lạt).

 

Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài 60km đi qua địa bàn huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2 dài 66km tiếp nối từ H.Tân Phú – TP.Bảo Lộc, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Giai đoạn 3 có chiều dài 73km, bắt đầu từ TP. Bảo Lộc đến huyện Đức Trọng, nối vào đường cao tốc Liên Khương – Prenn.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2 Tân Phú – Bảo Lộc, từ 51km – 67km, quy mô 4 làn xe sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2024, tổng nguồn vốn khoảng 18.200 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc phương án đầu tư dự án và chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước và đồng ý để tỉnh Lâm Đồng huy động mọi nguồn lực, như: tín dụng, phát triển quỹ đất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động nguồn vốn thực hiện dự án.

Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được đánh giá là tuyến đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về mặt kết nối giao thông mà còn thúc đầy nền kinh tế – du lịch 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên phát triển; thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang – Đà Lạt – TP.HCM. Đồng thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực.

Công trình có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 65.000 tỷ đồng, 4 đến 6 làn xe, tốc độ quy định 80km đến 120km/h. Thời gian di chuyển từ TP.HCM lên Bảo Lộc được rút ngắn khoảng 2 giờ; và từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc cũng chỉ mất 1 giờ đồng hồ.

 

Chia sẻ