Tư vấn AEC đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay quốc tế Đà Nẵng

23/03/2021, 09:03 

 

AEC vừa trình đề xuất các phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 để UBND TP Đà Nẵng, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các sở, ngành hữu quan TP Đà Nẵng, các đơn vị quốc phòng trong khu vực sân bay Đà Nẵng… xem xét, thẩm định.

 

Đề xuất lựa chọn phương án sử dụng đất

 

Như tin đã đưa, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng (DIA – thuộc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam) vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT giữ nguyên phân cấp Cảng HKQT, cửa ngõ quốc gia của sân bay quốc tế Đà Nẵng vì vai trò trọng yếu của Đà Nẵng đối với Biển Đông. Đồng thời ông cho biết Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp, chỉ đạo thực hiện lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sản phẩm quy hoạch này do UBND TP Đà Nẵng tài trợ; hiện Công ty CP Tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không (AEC) đang đề xuất các phương án quy hoạch của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

 

Theo AEC, hiện Cảng HKQT Đà Nẵng có 2 đường cất hạ cánh 35R-17L (kích thước 3.500m x 45m) và 35L-17R (3.48m x 45m) cách nhau 214m; 2 đường lăn song song E6 (dài 3.348m ở phía Đông, cách đường cất hạ cánh 35R-17L là 150m về phía Đông) và W6 (dài 3.048m, cách đường cất hạ cánh 35L-17R là 116m về phía Tây). Hiện sân bay quốc tế Đà Nẵng đảm bảo 35 vị trí đỗ máy bay.

Cùng với đó, khu hàng không dân dụng của Cảng HKQT Đà Nẵng có nhà ga quốc tế (T2) công suất 4 triệu khách/năm, nhà ga quốc nội (T1) công suất 6 triệu khách/năm; khu nhà ga hàng hóa có tổng diện tích 2.400m2 (gồm diện tích nhà ga 1.600m2, sân bãi 800m2), công suất 18.000 tấn hàng hóa/năm (số lượng thông quan năm 2019 là 40.626 tấn hàng hóa/năm).

 

Theo AEC, việc phát triển sân bay quốc tế Đà Nẵng cả về 2 phía Đông và Tây sẽ góp phần cải thiện năng lực hoạt động và khai thác Cảng HKQT Đà Nẵng một cách đồng bộ, triệt để, hiệu quả và bền vững. Vì vậy, AEC đề nghị nên chọn phương án sử dụng đất số 2 trong các phương án điều chỉnh quy hoạch tổng mà AEC đưa ra khi lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong phương án sử dụng đất số 2, AEC đề xuất xây mới đường cất hạ cánh 35L-17R có chiều dài như đường 35R-17L (3500×45 m); Cải tạo đường cất hạ cánh hiện có 35L-17R (3048x45m) thành đường lăn song song trung tâm giữa hai đường cất hạ cánh.

 

Đồng thời phát triển khu bay, khu hàng không dân dụng về 2 phía (phía Đông và phía Tây). Phạm vi sân đỗ mở rộng đến ranh giới quy hoạch bố trí đường hầm qua khu bay kết nối giao thông phía Đông và phía Tây TP Đà Nẵng.

Hệ thống quản lý điều hành bay cơ bản giữ nguyên; di chuyển hệ thống đen tiếp cận giản đơn đầu 35R. Trường hợp bố trí được quỹ đất của TP Đà Nẵng sẽ lắp đặt hệ thống Đèn tiếp cận CAT I đầu 35L.

Theo AEC, phương án này (cũng như phương án 1) chỉ khai thác quỹ đất hiện có, chuyển mục đích sử dụng một phần đất quốc phòng dùng riêng sang đất hàng không dân dụng để cải tạo hoặc làm mới một phần khu bay, bố trí thêm các công trình thuộc Cảng HKQT Đà Nẵng (mở rộng, xây mới nhà ga hàng không và một số hạng mục khác…).

 

Ý tưởng đề xuất của AEC về nhà ga hành khách trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Đề xuất xây mới đường cất hạ cánh, mở rộng sân đỗ máy bay

 

Đối với khu bay, AEC đề xuất lựa chọn phương án C của phương án sử dụng đất số 2. Trong phương án C, AEC đề xuất giữ nguyên đường cất hạ cánh 35R-17L (3.500x45m); xây mới 1 đường cất hạ cánh có kích thước 3.500x45m cách tim đường lăn song song trung tâm (được cải tạo từ đường CHC 35L-17R) khoảng cách là 172.5m về phía Tây. Như vậy đường cất hạ cánh mới cách đường cất hạ cánh cũ giữ nguyên 35R-17L là 368.5m

Đối với đường lăn, cải tạo đường cất hạ cánh 35L-17R (3.048x45m) thành đường lăn song song trung tâm có kích thước 3.048x23m.

Đối với sân đỗ, mở rộng về phía Đông để đảm bảo 68 vị trí đỗ tàu bay, gồm 35 vị trí đỗ hiện hữu và bổ sung 33 vị trí mới về phía Nam (bao gồm 2 vị trí đỗ cho hangar, 2 vị trí đỗ cho nhà ga hàng hóa và 1 vị trí cách ly), máy bay có thể tự vận hành trên sân đỗ mới. Về phía Tây, xây mới sân đỗ đảm bảo cho 19 vị trí đỗ máy bay (bao gồm 3 vị trí cho hangar, 4 vị trí cho nhà ga hàng hóa) và 8 vị trí đỗ tàu bay cho hàng không tư nhân.

 

Đề xuất xây dựng mới thêm một khu hàng không dân dụng

 

Đối với khu hàng không dân dụng, theo AEC, việc xây dựng mới 1 khu hàng không dân dụng về phía Tây sẽ kết hợp cùng với khu hàng không dân dụng hiện hữu ở phía Đông tạo nên khu hàng không dân dụng đảm bảo đầy đủ các hoạt động xứng tầm với Cảng HKQT Đà Nẵng.

Cũng theo AEC, hiện nay quỹ đất dành cho khu hàng không dân dụng ở phía Đông rất hạn chế nên không còn quỹ đất để phát triển cho hàng không tư nhân, logistics, hangar sửa chữa tàu bay, suất ăn hàng không và một số công trình phụ trợ khác. Vì vậy, việc phát triển khu hàng không dân dụng ở phía Tây sẽ giúp Cảng HKQT Đà Nẵng giải quyết được các vấn đề được đề cập phía trên.

 

Đặc biệt, theo điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Cảng HKQT Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế. Trung tâm Logistics hàng không được đề xuất mở rộng thành một cụm phía nam sân bay Đà Nẵng để mở rộng năng lực logistics của sân bay.

Trên cơ sở đó, đối với phương án điều chỉnh quy hoạch khu hàng không dân dụng tại cảng HKQT Đà Nẵng, AEC đề xuất chọn phương án đi kèm phương án C nêu trên của khu bay. Theo đó, khu vực phía Tây xây mới khu hàng không dân dụng bao gồm các công trình: Nhà ga quốc tế, nhà ga cho hàng không tư nhân, nhà ga hàng hóa, logistics, suất ăn hàng không, hangar và các công trình phụ trợ khác.

Khu vực phía Đông bao gồm nhà ga hành khách nội địa và quốc tế cũ (sẽ được cải tạo và hợp khối thành nội địa sau khi hết hợp đồng với chủ sở hữu). Xây mới nhà ga hàng hóa đạt công suất 100.000 tấn hàng hóa/năm và các công trình phụ trợ theo Quyết định 3066/QĐ-BGTVT ngày 26/8/2015 của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng HQKT Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

Đề xuất quy hoạch hệ thống giao thông

 

Về quy hoạch hệ thống giao thông kết nối Cảng HKQT với TP Đà Nẵng, theo đề xuất của AEC, giao thông kết nối phía Đông sẽ gồm đường trục dẫn vào Cảng hàng không từ ngã tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Văn Linh, mặt đường rộng 24m (cần nghiên cứu bố trí xây dựng cầu vượt tại ngã tư này theo hướng đường Nguyễn Văn Linh vào Cảng hàng không và ngược lại);

Đường Nguyễn Phi Khanh dẫn vào Cảng hàng không từ đường Nguyễn Tri Phương (có bến xe buýt của TP Đà Nẵng) sẽ được quy hoạch mở rộng mặt đường xe chạy 15m, là tuyến đường chủ yếu giành cho nhà ga quốc tế.

 

Đường Đặng Thùy Trâm dẫn vào Cảng hàng không từ đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ được quy hoạch mở rộng mặt đường xe chạy 15m, là tuyến đường chủ yếu giành nhà ga nội địa.

Đường dẫn vào Cảng hàng không từ ngã sáu nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ – Duy Tân: mặt đường rộng 24m, (cần nghiên cứu bố trí xây dựng cầu vượt tại ngã tư này theo hướng đường Duy Tân vào Cảng hàng không và ngược lại);

Đường dẫn vào nhà ga hàng hóa sẽ được tách biệt với đường vào khu nhà ga hành khách theo hướng như sau: qua cầu vượt ngã tư Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Văn Linh mở tuyến đường đi qua các lô đất có ký hiệu 43, 44, 47,48, 27.

 

Về giao thông kết nối phía Tây, AEC đề xuất xây dựng mới 01 đường trục chính 4 làn xe kết nối với đường Trường Chinh; xây dựng mới 01 đường trục nối với đường hầm dưới sân bay.

Về hệ thống giao thông nội bộ, AEC đề xuất giữ nguyên trạng hệ thống đường tuần tra công vụ tại Cảng HKQT Đà Nẵng; xây dựng mới hệ thống đường giao thông kết nối giữa các bộ phận, các công trình thuộc Cảng hàng không nhằm dảm bảo giao thông được nhanh chóng và thuận tiện, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của Cảng HKQT Đà Nẵng.

Được biết, AEC vừa trình các đề xuất nêu trên hôm 17/3 vừa qua để UBND TP Đà Nẵng, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, Tỏng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các sở, ngành hữu quan TP Đà Nẵng, các đơn vị quốc phòng trong khu vực sân bay Đà Nẵng… xem xét, thẩm định.

Khi được thông qua, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ thay thế quy hoạch Cảng HQKT Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định 3066/QĐ-BGTVT ngày 26/8/2015 của Bộ GTVT.

 

Chia sẻ