Quy hoạch ven biển Đà Nẵng: Những bất cập về quản lý sau quy hoạch

 

Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển đẹp, điều này ai cũng biết, thế nhưng trong suốt nhiều năm qua công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch, khai thác tài nguyên ven biển vẫn chưa đảm bảo chặt chẽ, hài hòa và phát triển lâu dài.

 

Theo quy hoạch, trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa có 37 dự án đã được giao đất và cho thuê đất để thực hiện các công trình, dự án khách sạn, resort cao cấp. Hiện nay đã có 19 dự án đã đưa vào hoạt động, 5 dự án đang triển khai và 13 dự án đã được bàn giao đất nhưng triển khai dự án chậm tiến độ và chưa triển khai.

 

Tình trạng xâm thực tại các khu vực bãi tắm của bờ biển Đà Nẵng ngày càng sâu vào bên trong.

 

Phần lớn diện tích đất ven biển Đà Nẵng được quy hoạch dành cho phát triển kinh tế, khai thác dịch vụ du lịch. Tuy nhiên việc quản lý sau quy hoạch không đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu là một điều bất cập hiện nay.

Đó là sự thiếu nhất quán trong công tác quản lý quy hoạch chi tiết nhất là đối với mật độ xây dựng. Có dự án áp dụng quy định mật độ xây dựng không quá 20%, nhưng có dự án lại là không quá 25%, đặc biệt có dự án mật độ xây dựng trên 40%. Chính vì lý do đó dẫn đến hầu hết các dự án chỉ chú trọng hiệu quả khai thác về mặt kinh tế, giải pháp quy hoạch chi tiết chỉ gói gọn trong phạm vi ranh giới của dự án, thiếu tính kết nối tổng thể.

 

Nhiều dự án tuy vẫn đảm bảo về mật độ xây dựng nhưng hệ số sử dụng đất là quá cao thông qua hình thức xây dựng nhiều khối nhà khách sạn, condotel cao tầng, làm tăng mật độ cư trú và tạo áp lực rất lớn về mặt hạ tầng kỹ thuật cho đô thị, có nguy cơ hình thành các khu ở tại khu vực ven biển này.

 

Ngoài ra, việc tính toán mật độ xây dựng của các dự án tính cả phần diện tích bờ biển được giao quản lý với khoảng lùi 50m so với mép nước trung bình làm ranh giới xây dựng công trình của các dự án đã phát sinh bất cập, tình trạng xâm thực vùng bờ ngày càng diễn biến phức tạp. Đã có một số nơi tình trạng xâm thực vùng bờ đang làm ảnh hưởng bờ biển.

 

Ông Tô Hùng – Trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng chia sẻ: Xét về yếu tố kinh tế và tính phù hợp về khai thác tài nguyên phát triển đô thị thì giải pháp quy hoạch tận dụng không gian cảnh quan biển cho mục đích du lịch là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, nếu xem xét ở góc độ môi trường, việc hình thành các dự án với mật độ khá dày đã phá vỡ cân bằng sinh thái, rừng dương phòng hộ ven biển bị biến mất, làm suy giảm khả năng phòng chống gió bão; áp lực từ hoạt động xây dựng, chất thải sinh hoạt đã gây nên tác động xấu đến môi trường biển. Do thiếu các không gian mở ra hướng biển, một số khu vực đã hạn chế sự kết nối liên thông giữa các không gian cảnh quan và giảm khả năng thông gió cho đô thị.

 

Dự án Tổ hợp Khách sạn – Thương mại dịch vụ và Chung cư cao cấp That của Cty TNHH XD TMDV 55 nằm “giữ chỗ” tại vị trí vàng của bãi biển Đà Nẵng đã 10 năm qua vẫn là bãi đất hoang. Trong khi đó đất dành cho không gian công cộng ở khu vực này đang hiếm, dù bên cạnh đó là công viên biển Phạm Văn Đồng luôn trong tình trạng quá tải.

Một trong những bất cập nữa đó là tính dự báo và định hướng trong quy hoạch sử dụng đất đai, phát triển không gian tại khu vực ven biển chưa theo kịp với thực tiễn.

 

Quy hoạch xây dựng khu vực ven biển chưa được triển khai đồng bộ theo các cấp độ từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chưa xây dựng được quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đặc thù cho khu vực ven biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu vực ven biển.

 

Quyền tiếp cận với biển của người dân theo quy định của pháp luật lâu nay bị bỏ quên. Một số lối xuống biển, bãi tắm công cộng và rừng dương tự nhiên trước đây bị xóa bỏ không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận biển mà còn làm giảm đi tiện ích đô thị của thành phố biển, các hoạt động vui chơi, dã ngoại, cắm trại vốn là nhu cầu và sở thích của thanh thiếu niên thành phố thì nay hoàn toàn không còn cơ hội.

 

Chưa kể đến nhiều dự án không có chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể dẫn đến quy hoạch bị điều chỉnh nhiều lần. Không ít chủ đầu tư cố tình xây dựng không đúng nội dung được cấp phép, sau đó xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết để hợp thức hóa phần sai phạm, chủ yếu theo hướng tăng diện tích nhà ở, giảm diện tích cây xanh…

Việc xử lý vi phạm tại các dự án ven biển còn chưa đủ mạnh để ngăn chặn các vi phạm trong hoạt động đầu tư, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đối với quy hoạch phát triển chung của khu vực này.

 

Để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý quy hoạch ven biển Đà Nẵng hiện nay, ông Tô Hùng – Trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho rằng: Cần thực hiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu vực ven biển, làm cơ sở quản lý và kiểm soát phát triển các dự án.

Việc điều chỉnh quy hoạch chú trọng yếu tố mang tính lịch sử, đảm bảo hài hòa lợi ích cộng đông dân cư và doanh nghiệp. Đảm bảo quỹ đất bố trí công viên, quảng trường, bãi tắm phục vụ dân cư và khách du lịch. Chú trọng nâng cao hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo khả năng phòng hộ.

 

Trong phạm vi và thẩm quyền của mình, Đà Nẵng cần tập trung rà soát và có giải pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án được cấp ưu đãi không đúng quy định. Các dự án không thực hiện đúng nội dung Giấy chứng nhận đầu tư, dự án bàn giao đất nhưng không triển khai thực hiện, dự án triển khai chậm tiến độ, chậm nộp tiền thuê đất…

 

Quy hoạch ven biển Đà Nẵng: Những bất cập về quản lý sau quy hoạch

 

Xử lý cương quyết và dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng không đúng quy định, xây dựng không phép hoặc sai phép. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và chuyển đối mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

 

Phát triển hệ thống cây xanh ven biển để tăng cường khả năng phòng chống xâm thực và gió bão. Giám sát chặt chẽ đánh giá tác động môi trường. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu gom nước thải ven biển cùng với việc xử lý tình trạng nước xả tràn ra bãi tắm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc quản lý quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, quản lý đầu tư xây dựng tại các dự án ven biển. Đặc biệt là việc công khai thông tin về quy hoạch xây dựng để người dân địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát.

 

Chia sẻ