Không được thay đổi mức giá, phí sau đấu thầu dự án PPP

18/11/2020

 

Đây là một trong những nội dung được Bộ GTVT góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP.

 

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP và dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư.

 

Không được thay đổi mức giá, phí sau đấu thầu dự án PPP

Chỉ ưu đãi về điểm khi đánh giá hồ sơ dự thầu

Tại Điểm b, c, Khoản 1, Điều 4 dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư quy định: Nhà đầu tư cam kết sử dụng hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị, nhà thầu trong nước để thực hiện phần công việc của dự án có giá trị chiếm tỷ lệ từ 25% tổng mức đầu tư của dự án trở lên theo quy định của Luật PPP được hưởng mức ưu đãi 2 – 3% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.

Góp ý quy định này, trong văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung tại tờ trình phân tích cơ sở đưa ra mức ưu đãi 2 – 3 %.

Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng gồm rất nhiều hạng mục công việc phức tạp, liên quan đến nhiều thiết bị, vật tư, đơn giá… nên trong giai đoạn đấu thầu khó có thể tính toán, xác định khối lượng và giá trị sử dụng hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị. Đồng thời, bên mời thầu cũng khó có thể đánh giá được tính phù hợp trong cam kết của nhà đầu tư.

 

Hơn nữa, trường hợp nhà đầu tư sau khi được lựa chọn nhưng không thực hiện đúng cam kết sẽ khó xử lý nếu giai đoạn đấu thầu được hưởng mức ưu đãi 2 – 3% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc kỹ đối với cơ chế ưu đãi trong trường hợp nhà đầu tư cam kết sử dụng hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị và nhà thầu trong nước như quy định trong dự thảo Nghị định; xem xét, chỉ ưu đãi về điểm khi đánh giá hồ sơ dự thầu, đồng thời bổ sung điều khoản về cơ chế kiểm soát các cam kết của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

 

Không được thay đổi mức giá, phí sau đấu thầu

Về giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, Điều 65, Luật PPP quy định: “Phương án giá, khung giá sản phẩm, dịch vụ công theo thời hạn hợp đồng dự án PPP phải xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá”.

 

Theo Bộ GTVT, do tính chất đặc thù của dự án PPP là thời gian thu phí dịch vụ để hoàn vốn kéo dài (15 – 20 năm) nên mức giá dịch vụ tại từng thời kỳ thường khác nhau (theo xu hướng tăng dần) và phụ thuộc vào chỉ số tiêu dùng, sức mua của đồng tiền trong từng thời kỳ.

 

Hiện nay, pháp luật về giá chưa có quy định, hướng dẫn phương pháp xác định giá dịch vụ cho cả vòng đời dự án (bao gồm giá dịch vụ khởi điểm và giá dịch vụ cho từng thời kỳ) nên gây khó khăn trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt nghiên cứu khả thi.

 

Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn về phương pháp xác định giá dịch vụ cho cả vòng đời dự án PPP. Đồng thời làm rõ: Trong trường hợp khung giá, phí đã được xác định ở bước báo cáo nghiên cứu khả thi, khung giá, phí này phải được cố định trong quá trình thực hiện dự án.

 

Theo đó, giá, phí được quy định ở mức tối đa và đã được đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, được nhà đầu tư tính toán trong phương án tài chính làm cơ sở dự thầu nên cấp có thẩm quyền không được thay đổi mức giá, phí này.

 

Không được thay đổi mức giá, phí sau đấu thầu dự án PPP

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Bộ GTVT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP bổ sung điều khoản hướng dẫn về việc áp dụng cơ chế này, bao gồm một số nội dung về điều kiện áp dụng cơ chế tăng, giảm doanh thu: Quy định xem xét áp dụng cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu trong trường hợp doanh thu thực tế “cao hơn hoặc thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án 25%”.

 

Ngoài ra, đối với các dự án PPP có thu phí, để xác định doanh thu thực tế cao/thấp hơn 25% phụ thuộc rất nhiều vào khoảng thời gian tính doanh thu (6 tháng, 1 năm, 2 năm…). Do vậy, Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy định cụ thể về khoảng thời gian tính doanh thu để quyết định áp dụng cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu.

Chia sẻ