Loại 2 gồm các dự án lớn có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài công trình chung cư còn có nhiều công trình khác như công viên, trường học, bệnh viện, khu thương mại, khu thể dục thể thao… các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng bên ngoài chung cư.
Với nhóm này, diện tích đất xây dựng chung cư để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch và có thể chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1 là nhóm đất xây dựng nhà ở (đất xây dựng chung cư), phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở (gồm diện tích đã trừ mật độ xây dựng), cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đủ diện tích đã đóng tiền sử dụng đất ở và nhà nước không quản lý diện tích này.
Nhóm 2 là nhóm đất xây dựng công trình công cộng (bệnh viện, trường học, công viên cây xanh, thể dục thể thao) nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định).
Nhóm 3 là nhóm đất xây dựng công trình giao thông hạ tầng kỹ thuật (chiếu sáng, viễn thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước…) chủ đầu tư hoàn thành việc xây dựng để bàn giao cho nhà nước quản lý. Phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phương thức xử lý với các dự án mới bắt đầu triển khai là các đơn vị tham mưu phải xác định rõ, cụ thể ngay từ đầu từng loại đất xây dựng công trình nhà ở chung cư và các công trình khác để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất ở và cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Với các dự án đã triển khai thực hiện trong giai đoạn trước đây, Sở Tài nguyên Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát các quy định trước đây, kiểm tra thực tế xây dựng để phân loại dự án, nhóm đất xây dựng các công trình như trên để có cơ sở thu tiền sử dụng đất. Trước mắt sẽ tập trung vào những dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân, chủ đầu tư bức xúc.
Sở Tài nguyên Môi trường có nhiệm vụ hệ thống hoá quy định pháp luật có liên quan từng thời kỳ, hoàn thiện lại đề xuất, lấy ý kiến Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh và tham khảo Bộ Tài nguyên Môi trường, sau đó trình Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh để thống nhất chủ trương áp dụng chung trên toàn thành phố, hoàn thành báo cáo trong 1 tháng.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, hiện toàn thành phố đang có 63 dự án nhà ở của 17 doanh nghiệp với tổng cộng khoảng 27.709 căn hộ đang chờ cấp giấy chủ quyền do pháp luật chồng chéo, chưa thống nhất. Việc chậm cấp sổ hồng đang là vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp bất động sản.
Ngày 09/9/2020, UBND TP. Hồ Chí Minh có Công văn 3461/UBND-ĐT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn.