Thành phố Thủ Đức: Nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức

14/12/2020

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 131/2020/QH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM, với 100% phiếu tán thành. Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương chưa có tiền lệ ở nước ta, nên pháp luật cần bổ sung chi tiết hơn về tổ chức, hoạt động và thẩm quyền của thành phố thuộc thành phố. Đặc biệt, cần có cơ chế phân cấp mạnh mẽ để thành phố Thủ Đức phát triển như kỳ vọng.

 

Cần trao quyền mạnh mẽ hơn

 

Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức). Khi lấy ý kiến người dân liên quan, đã có hơn 90% ý kiến đồng thuận, nên việc sáp nhập 3 quận cơ bản là thuận lợi. So sánh với một số đô thị loại I thuộc tỉnh như Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thì thành phố Thủ Đức có quy mô tương đương các thành phố vừa kể. Do đó, công tác quản lý thành phố Thủ Đức sau này không hẳn là vấn đề quá khó.

 

Thành phố Thủ Đức: Nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức

 

Theo TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Nội vụ, việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ vừa là thuận lợi, vừa gặp thách thức. Điều quan trọng hiện nay là cần nhận diện, tiên lượng đầy đủ những thách thức của mô hình này để có các giải pháp đồng bộ. TS Diệp Văn Sơn phân tích, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố ngang với cấp huyện (gồm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).

 

Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “khung cứng” về tổ chức, thẩm quyền hoạt động của thành phố thuộc thành phố. Như vậy, theo quy định hiện hành, về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND thành phố Thủ Đức nhìn chung không khác biệt lắm so với HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tương tự, các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Thủ Đức cũng theo khung chung.

 

Về vấn đề này, ThS Đặng Thị Thu Trang, Khoa Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật TPHCM, đề xuất cần làm rõ sự khác biệt về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức cũng như thẩm quyền của thành phố Thủ Đức – đơn vị hành chính cấp huyện. Việc này là để khi sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức không chỉ là thu gọn đầu mối mà còn sẽ phát huy 3 trục chủ lực (công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính) của thành phố Thủ Đức, tạo thành hạt nhân phát triển của TPHCM, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng và cả nước.=

 

Theo ThS Đặng Thị Thu Trang, nhiều nước trên thế giới khi thành lập các “thành phố nhỏ” trong “thành phố lớn” đều có quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đi cùng với đó là sự phân giao về nhân sự, tài chính. Thực tế đã chứng minh sự thành công của những mô hình tổ chức chính quyền đô thị như thế. Ở nước ta, hiện nay đã có những quy định về mô hình đặc thù – thành phố Thủ Đức – nhưng còn ở bước sơ khai, cần bổ sung các quy định chi tiết hơn về tổ chức, hoạt động và thẩm quyền. Đặc biệt là phải có những cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho TPHCM, trong đó có thành phố Thủ Đức phát triển, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước.

 

“Muốn có được một thành phố Thủ Đức phát triển năng động, xứng tầm với tiềm năng thì Trung ương cần có các quy định trao quyền mạnh mẽ hơn cho TPHCM”, ThS Đặng Thị Thu Trang kiến nghị.

 

Cơ hội tự chủ gắn với chịu trách nhiệm

 

Để phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực nổi trội của 3 đơn vị khi sáp nhập 3 quận thành thành phố Thủ Đức, TS Diệp Văn Sơn còn nhấn mạnh đến bộ máy quản lý nhà nước của thành phố Thủ Đức. Theo TS Diệp Văn Sơn, Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố và UBND thành phố Thủ Đức (thuộc TPHCM). Đây là thuận lợi để thành phố Thủ Đức thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

 

Cụ thể, so với HĐND cấp huyện thì HĐND thành phố Thủ Đức có thêm 3 nội dung mới. Trong đó, HĐND thành phố Thủ Đức được quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách phường trực thuộc; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp.

 

Thành phố Thủ Đức: Nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức

Đi kèm đó, UBND thành phố Thủ Đức phải có nhiệm vụ xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định nội dung trên (cùng nhiều nội dung khác).

“Thực tế, vai trò của UBND thành phố là rất lớn để có thể xây dựng, tham mưu chuẩn xác (còn HĐND thành phố xem xét thông qua chủ trương) để “quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C”. Đây là một công việc khá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn”, TS Diệp Văn Sơn nhấn mạnh.

 

Cụ thể, Luật Đầu tư công cùng các hướng dẫn quy định chi tiết về hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, C (và A).

Trong đó, nội dung thẩm định chủ trương đầu tư phải phù hợp với các tiêu chí xác định chương trình đầu tư công; sự tuân thủ các quy định pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định; sự phù hợp với các mục tiêu chiến lược; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật.

 

Cùng đó là các nội dung về mục tiêu, quy mô, đối tượng đầu tư, thời gian, tiến độ thực hiện, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; khả năng thu hồi vốn và trả nợ trong trường hợp sử dụng vốn vay; dự kiến bố trí vốn…

“Mô hình thành phố Thủ Đức rõ ràng là cơ hội thực hiện tự chủ, nhưng kèm đó là thách thức về sự chịu trách nhiệm. Thách thức này chỉ rõ cần phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức xứng tầm, thạo việc là một thách thức lớn cần giải quyết”, TS Diệp Văn Sơn lưu ý.

 

Chia sẻ