Xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực: Điển hình cho quyết tâm không để việc tồn đọng

14/1/2021

 

Việc xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình) không chỉ bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn là ví dụ điển hình cho sự quyết tâm đến cùng của lãnh đạo TP Hà Nội nhằm giải quyết những việc khó, tồn đọng, kéo dài nhiều năm.

 

Công trình vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm, gây bức xúc dư luận

 

Nhiều năm liền, “8B Lê Trực” đã trở thành vấn đề nóng bỏng tại diễn đàn Quốc hội, các cuộc tiếp xúc cử tri cho đến đời sống xã hội, trở thành vụ vi phạm trật tự xây dựng chậm được giải quyết dứt điểm nổi cộm ở TP Hà Nội. Do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực đã xây dựng công trình vượt 1 tầng so với giấy phép xây dựng, tăng 15,89m chiều cao; sai về khoảng lùi, khoảng giật cấp, dẫn đến tăng diện tích sàn xây dựng lên tới gần 7.000m2.

 

Xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực

Vi phạm diễn ra từ năm 2012, nhưng phải đến cuối năm 2016 mới thực hiện xong cưỡng chế giai đoạn 1, phá dỡ được tầng 19 và tầng tum, thang của công trình. Giai đoạn 2 với yêu cầu phá dỡ tầng 18 do vi phạm chiều cao theo giấy phép xây dựng, nhưng qua gần 4 năm, tức là tới thời điểm đầu năm 2020 vẫn giậm chân tại chỗ, dù Thủ tướng Chính phủ nhiều lần có văn bản chỉ đạo TP Hà Nội xử lý dứt điểm vụ việc. Chủ đầu tư chây ì, không hợp tác và cho rằng việc “cắt ngọn” theo đúng giấy phép là bất khả thi vì sẽ làm phá vỡ kết cấu tòa nhà, gây mất an toàn; đồng thời đề xuất… phạt cho tồn tại.

 

Dư luận xã hội vô cùng bức xúc và đặt câu hỏi lớn: Vì sao chậm trễ xử lý một công trình sai phạm ngay giữa trung tâm Thủ đô? Để một công trình xây dựng dân sinh sai phạm tồn tại nhiều năm như thế là thách thức hiệu lực quản lý Nhà nước, thách thức dư luận. Cần phải xử lý nghiêm. Kỷ cương phép nước phải được coi trọng.

 

Chỉ đạo quyết liệt đến cùng

 

Năm 2020 là một năm đầy thử thách, song cũng chính là năm TP Hà Nội tạo nhiều dấu ấn. Cùng với việc thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông lớn, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Trong bối cảnh khối lượng công việc phát sinh lớn như vậy, TP vẫn chỉ đạo tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc tồn đọng, trong đó điển hình là xử lý dứt điểm công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực.

 

Tại một cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành ủy Hà Nội về xây dựng Đảng gắn với giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết: “Năm 2020 phải coi như năm cao điểm để đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả cũng như kết quả của Ban Chỉ đạo 15 và Chỉ thị 15. Nhất là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng chính quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu. Kiên quyết, nhưng cũng phải kiên trì, quyết liệt xử lý dứt điểm được những việc nổi cộm để tạo môi trường thuận lợi cho Đại hội Đảng bộ các cấp theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau”.

 

Ở một cuộc làm việc khác với quận Ba Đình, người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội cũng nêu ra yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực và phải hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, không để kéo dài thêm. Trước yêu cầu, đòi hỏi đó, quận Ba Đình đã phối hợp với các sở, ngành TP quyết tâm xử lý đến cùng sai phạm kéo dài nhiều năm này.

 

Cách làm bài bản, minh bạch

Từ cuối quý I/2020, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, tinh thần vào cuộc trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và quận Ba Đình, những nút thắt mới được tháo gỡ. Chỉ sau gần 5 tháng triển khai, đến ngày 5/10/2020, quá trình tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực đã hoàn thành, bảo đảm đúng 3 yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ: Kỷ cương pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

 

Chủ tịch UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) Nguyễn Chí Trung cho biết: “Chúng tôi thực hiện tháo dỡ công trình theo từng bước. Trước hết thông báo với chủ đầu tư việc tiếp tục xử lý công trình sai phạm theo quyết định cưỡng chế số 32/QĐ-UBND của UBND quận Ba Đình; đồng thời thông báo đến toàn thể Nhân dân trên địa bàn phường biết, cùng tuyên truyền, vận động những người dân mua nhà tại đây. Sau đó, công tác cưỡng chế đã được thực hiện từ tháng 4/2020 và đến ngày 5/10/2020 hoàn thành việc cưỡng chế tầng 18. Trong suốt quá trình cưỡng chế, công tác an toàn, trật tự đô thị tài sản của chủ đầu tư 8B Lê Trực cũng như cán bộ tham gia cưỡng chế được bảo đảm an toàn tuyệt đối”.

 

Để đôn đốc công việc đúng tiến độ, TP Hà Nội đã yêu cầu thành lập tổ công tác liên ngành xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực do Chủ tịch UBND quận Ba Đình làm Tổ trưởng và 15 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành TP liên quan. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trong quá trình lập hồ sơ xử lý, các phương án tháo dỡ đều xin ý kiến của Sở Xây dựng; lựa chọn đơn vị thi công, đơn vị tư vấn đều có ý kiến của TP. Việc kiểm kê, niêm phong tài sản thực hiện đầy đủ, các biên bản lập chặt chẽ, có sự chứng kiến của Tòa án Nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, hệ thống chính trị cơ sở.

 

Chẳng cần phải thuê đơn vị nước ngoài, tất cả mọi việc đều được hoàn thành bởi các đơn vị trong nước. Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng) thực hiện khảo sát hiện trạng các công trình liền kề, thiết kế lập hệ thống quan trắc khu vực cưỡng chế. Công ty TNHH Tư vấn xây dựng VNT Việt Nam tư vấn giám sát thi công. Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam thực hiện việc tháo dỡ bằng máy cắt có lưỡi kim cương, chuyên dụng cho đá, bê tông để cắt sàn.

 

Xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực: Điển hình cho quyết tâm không để việc tồn đọng

Sau khi hoàn tất xử lý phần công trình vi phạm, hiện công trình còn 17 tầng và tum thang chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5m. Lý giải về vấn đề này, quận Ba Đình đã tham mưu với TP cho phép giữ lại kết cấu cột, dầm, kết cấu lõi thang và dầm treo tầng 18 để đảm bảo kết cấu và an toàn cho tòa nhà, do hệ thống dầm treo, cột giữ lại chịu một phần lực nâng cho các tầng dưới. Nếu phá tiếp có thể bị ảnh hưởng tới kết cấu chung của tòa nhà. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 9/12/2020, UBND quận Ba Đình đã cùng Công ty Cổ phần May Lê Trực đã tổ chức bàn giao mặt bằng công trình để chủ đầu tư thực hiện chỉnh trang, bảo đảm mỹ quan, kiến trúc đô thị, hoàn thiện phần mái thành giàn hoa, bồn cây và chỉ được phép sử dụng vào các mục đích sử dụng chung của tòa nhà.

 

Phân tích về các biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng, KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng, trước khi tiến hành phương án xử lý cần phải xét xem công trình đó ảnh hưởng như thế nào đến mật độ xây dựng, quy hoạch kiến trúc tại khu vực đó. Những công trình nào buộc phải tháo dỡ thì tháo dỡ, những công trình nào không thể tháo dỡ được nữa do ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn tòa nhà thì sung toàn bộ phần sai phạm để làm công trình công cộng phục vụ cho người dân tại chính khu vực đó.

 

Được biết, ngay đầu tuần này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã kiểm tra việc hoàn thiện phần sân vườn trên tầng 18. Đồng thời, yêu cầu làm hàng rào công trình, dọn sạch các phế thải vật liệu xây dựng dưới chân công trình, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Dù muộn, song việc xử lý dứt điểm vi phạm tại 8B Lê Trực được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Như vậy, chẳng phải do việc khó hay không có công trình vi phạm nào không thể xử lý. Quan trọng là phải có quyết định “kim cương” và chúng ta có quyết tâm làm hay không.

 

Chia sẻ