Dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) – (dự án cải tạo sông Tích) được phê duyệt với mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng có mục tiêu cung cấp nước tưới cho 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng 11 năm nay, hàng trăm hộ dân không có nước tưới tiêu, sông Tích đang dần trở thành dòng sông “chết”.
Cải tạo sông Tích: Yêu cầu huyện Ba Vì sớm bàn giao mặt bằng
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã có văn bản chỉ đạo đốc thúc dự án sông Tích. Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình thực hiện và chủ trì tham mưu xử lý các vướng mắc liên quan dự án Tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Đồng thời, Phó Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu huyện Ba Vì khẩn trương bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính ở đây là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại địa phương còn chậm, bàn giao đất kiểu “xôi đỗ” nên nhiều đoạn vẫn chưa thể thi công. Trong quá trình thi công cũng phát sinh một số hạng mục, một số dự toán chưa được đề cập đến theo quyết định đầu tư ban đầu như diện tích đổ đất không có, yếu tố địa chất… Để tháo gỡ những nút thắt đưa dự án về đích theo lãnh đạo Sở phải điều chỉnh đơn giá về vận chuyển đổ đất và 1 số hạng mục, dự kiến cần điều chỉnh tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng. Dự toán đã được báo cáo thành phố.
Về phía đơn vị thi công là Cty Bình Minh, đơn vị này đã có 55 văn bản kiến nghị các sở ngành để giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thực tế thi công, bởi nếu không “mọi nỗ lực trở nên vô ích và đi vào ngõ cụt, không lối thoát” (kiến nghị của Cty này nêu).
Đó là Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 của UBND thành phố Hà Nội, trong đó có nêu 44 bãi thải được bố trí dọc theo 2 bên bờ sông Tích, diện tích chiếm đất là 240 ha nhưng thực tế chủ đầu tư không bố trí kinh phí GPMB bãi thải này. Dù hồ sơ thiết kế được duyệt có 240 ha đất làm bãi thải bố trí sát 2 bên bờ sông nhưng thực tế là không có bãi thải nào được GPMB để thực hiện. Điều này dẫn tới việc tổng mức đầu tư tính toán dựa trên cơ sở pháp lý là Quyết định 4927/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 và Quyết định 1054/QĐ-UBND ngày 4/3/2016 của UBND thành phố Hà Nội là sai với thực tế. Đây được coi là nút thắt dẫn đến việc trì trệ dự án, khiến dòng sông Tích “mắc cạn” hơn một thập kỷ.