Dấu hỏi tại Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết
10/12/2020
Năng lực nhà đầu tư, thời gian thu hồi vốn và điều kiện chuyển tiếp là những yếu tố cần UBND tỉnh Bình Thuận làm rõ để có thể tái khởi động Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết.
Dấu hỏi về năng lực nhà đầu tư
Sự băn khoăn về năng lực nhà đầu tư được UBND tỉnh Bình Thuận lựa chọn là điều có thể nhận thấy trong các góp ý của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đối với Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng.
Trong Công văn số 11057/BGTVT-ĐTCT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 11/2020 để góp ý về đề xuất mới đây của UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ GTVT cho rằng, Dự án Cảng hàng không Phan Thiết sẽ tiến hành điều chỉnh về quy mô, công suất, khiến tổng mức đầu tư tăng từ 1.693 tỷ đồng lên 3.833 tỷ đồng. Do đó, Bộ GTVT đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần làm rõ năng lực nhà đầu tư đã ký hợp đồng để đảm bảo triển khai các bước tiếp theo phù hợp quy định.
“Theo Dự án đã phê duyệt và hợp đồng được ký giữa UBND tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông vào đầu năm 2016, thời gian thu phí hoàn vốn công trình lên tới hơn 80 năm. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành rà soát lại các điều khoản hợp đồng để đảm bảo thời gian giao đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Luật Đất đai”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.
Trước đó, trong thông báo ý kiến thẩm định Dự án vào cuối tháng 7/2019, Bộ GTVT từng bày tỏ sự lo ngại khi quy mô công trình nếu được điều chỉnh sẽ lớn hơn khá nhiều so với quy mô ban đầu. Điều này có thể dẫn đến tiêu chí đánh giá cũng như năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư có thể không còn phù hợp với quy mô Dự án. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, đánh giá lại năng lực của nhà đầu tư, đảm bảo khả năng thực hiện hợp đồng với quy mô mới theo quy định của pháp luật.
Bộ GTVT không phải là cơ quan duy nhất đưa ra khuyến nghị với UBND tỉnh Bình Thuận về năng lực của nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông. Tại Văn bản số 5073//BKHĐT-KCHTĐT ngày 31/8/2020 gửi UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra những đánh giá khá cụ thể về tình hình tài chính tại Dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 10, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức PPP và quy mô tổng mức đầu tư sau điều chỉnh, nhà đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết phải đảm bảo số vốn chủ sở hữu tối thiểu là 533,255 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, nhà đầu tư mới chỉ cam kết số vốn tối thiểu là 512,02 tỷ đồng, chưa đủ thỏa mãn tỷ lệ theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.
“UBND tỉnh Bình Thuận cần yêu cầu nhà đầu tư phải góp đủ số vốn tối thiểu theo quy định hiện hành”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.
Liên quan đến phương án tài chính của Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương làm việc với Bộ GTVT, Bộ Tài chính để sớm ban hành khung lợi nhuận cho các dự án PPP trong lĩnh vực hàng không. Trên cơ sở khung lợi nhuận này, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ chạy lại phương án tài chính để chốt thời gian hoàn vốn phù hợp cho Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết.
Nâng đời sớm
Vào tháng 8/2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 3227/UBND-ĐTQH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh Dự án và tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 76, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về chuyển tiếp dự án mà không phải thực hiện lại quy trình trình, phê duyệt lại chủ trương đầu tư.
UBND tỉnh Bình thuận cũng muốn được tiếp tục triển khai điều chỉnh một số thủ tục theo quy định như phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi; đánh giá năng lực thực hiện dự án, kinh nghiệm, kỹ thuật của nhà đầu tư BOT so với quy mô dự án điều chỉnh để tiến hành điều chỉnh hợp đồng BOT; hồ sơ thiết kế kỹ thuật; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán để khởi công xây dựng công trình trong quý IV/2020.
Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Bình Thuận, ngày 3/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8297/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ điều kiện chuyển tiếp của Dự án và hướng dẫn địa phương triển khai công trình theo đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.
Theo đề xuất mới nhất của UBND tỉnh Bình Thuận, Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết gồm 2 dự án thành phần độc lập: Dự án đầu tư hạng mục hàng không dân dụng và Dự án đầu tư khu sân bay quân sự (Dự án eKQ920). Trong đó, tại Dự án eKQ920, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lập và hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, với tổng mức đầu tư 7.925 tỷ đồng.
Đối với Dự án đầu tư hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT (điều chỉnh từ cấp 4C lên cấp 4E), UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng cho phép nâng cấp để đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4E, với vai trò sân bay dùng chung dân dụng (có hoạt động bay quốc tế) và quân sự (sân bay quân sự cấp I). Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm (tương đương 800 hành khách/giờ cao điểm) đến năm 2030 và các hạng mục công trình phụ trợ khác đảm bảo phục vụ cảng hàng không cấp 4E.
Liên quan đến đề nghị được áp dụng quy định chuyển tiếp của UBND tỉnh Bình Thuận đối với Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, Bộ GTVT cho rằng, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào ngày 18/6/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Điểm a, khoản 1 của Điều 101 quy định chuyển tiếp: “Trường hợp đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của Luật này. Trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư thì thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật này”.
“Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận cần căn cứ vào thời điểm thực hiện và quy định pháp luật liên quan tại thời kỳ đó để triển khai đảm bảo đúng quy định”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm.