Đề nghị ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt

24/11/2020

 

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đề nghị cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý 1/2020 và điều chỉnh sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau dịch COVID-19.

 

Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội vừa kiến nghị hàng loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp buýt nhằm thúc đẩy vận tải công cộng Thủ đô.

Theo đó, Hiệp hội này đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhằm cải thiện điều kiện vận hành xe buýt, tăng lợi thế về vận tốc, về độ an toàn để thu hút hành khách sử dụng xe buýt, giảm phương tiện cá nhân, giảm rối loạn và tắc nghẽn giao thông.

 

Đề nghị ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt

Hiệp hội cũng đề nghị cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý 1/2020 đồng thời điều chỉnh sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19.

 

Liên quan đến đề nghị cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý 1/2020, thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, 68 tuyến buýt Hà Nội đang thực hiện đặt hàng năm 2019 phải chuyển sang hình thức đấu thầu trong năm 2020.

 

Do phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lựa chọn và dự thầu với nhiều bước, tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, để đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng được liên tục, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép 68 tuyến buýt tiếp tục hoạt động ổn định, bình thường từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2020 (đến khi lựa chọn được nhà thầu theo quy định).

 

Tuy nhiên, gần hết năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được thanh toán khoản trợ giá từ quý đầu năm.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội thông tin chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.

 

“Với lãi suất vốn vay từ 7 đến 8%/năm, nếu thành phố không sớm có giải pháp tháo gỡ, áp lực vận hành đang đè nặng trên vai các doanh nghiệp buýt và nguy cơ nhiều tuyến buýt phải tạm ngừng hoạt động là điều hoàn toàn có thể xảy ra,” ông Thông nhìn nhận.

 

Khẳng định chủ trương miễn phí xe buýt cho người cao tuổi là đúng đắn, tuy nhiên, ông Thông cho rằng trong quá trình tổ chức đấu thầu xe buýt, thành phố cần có cơ chế tính đúng, tính đủ, giám sát chặt chẽ để vừa bảo đảm doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân đồng thời bảo đảm nguồn ngân sách trợ giá được sử dụng hiệu quả.

 

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt, trong Tờ trình mới nhất báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã đề xuất thực hiện thanh quyết toán kinh phí quý 1/2020 cho 68 tuyến buýt với tổng số tiền gần 312 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện thanh toán từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế năm 2020.

 

Đề nghị ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt

Trong đó, đơn giá thanh toán theo đơn giá đặt hàng được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2019. Khối lượng thực hiện (lượt xe, km hành trình) và chi phí vận hành đã được các cơ quan chức năng xác định, nghiệm thu.

 

Đối với đến phương án thanh quyết toán kinh phí trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với 68 tuyến buýt trong quý 1/2020, ngày 16/11/2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan hướng dẫn Sở Giao thông Vận tải thực hiện theo quy định pháp luật và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương và thành phố; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, rà soát, tham mưu, báo cáo thành phố theo quy định.

 

Chia sẻ