Đề xuất chứng nhận hiệu quả sử dụng năng lượng trong công trình
14/1/2021
Việc giám sát tiêu thụ năng lượng trong quá trình hoạt động của công trình rất quan trọng và cần thiết. Tại Việt Nam, công cụ phục vụ giám sát năng lượng trong công trình hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất ban hành.
Cần thiết phát triển công cụ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong công trình
Theo các chuyên gia nghiên cứu về năng lượng, trên thế giới, các công trình xây dựng tiêu thụ 30% năng lượng và thải ra 28% khí nhà kính. Với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số hiện nay, đến năm 2060, số lượng các công trình xây dựng tăng gấp đôi. Do vậy, giảm tiêu thụ năng lượng trong công trình đã và đang là vấn đề quan tâm ưu tiên của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, hàng năm, ngành Xây dựng sử dụng 30 – 40% tổng năng lượng quốc gia, đứng thứ hai chỉ sau sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành Xây dựng có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ về kinh tế – xã hội mà còn về mặt môi trường.
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh,Việt Nam định hướng đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5 – 2%; giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 – 30% so với phương án phát triển bình thường. Định hướng đến năm 2050, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5 – 2%…
Tuy nhiên, nhiều chính sách và pháp luật về tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong hoạt động xây dựng hiện đang trong quá trình hoàn thiện. TS Nguyễn Trung Hòa – nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua. Tiếp đó, năm 2011, Nghị định 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành. Song các nội dung của pháp luật về hoạt động TKNL lĩnh vực xây dựng trong Luật và nghị định nói trên còn rất mờ nhạt, thiếu cụ thể và chưa đầy đủ.
Mới đây nhất, ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Xây dựng sửa đổi. Trong đó, Điều 10, khoản 4 Luật Xây dựng sửa đổi bổ sung nội dung, khuyến khích đầu tư xây dựng công trình sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; đô thị sinh thái, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…
TS Nguyễn Trung Hòa nhận định: Đây là cơ hội tốt để hoàn thiện về mặt pháp lý cho hoạt động thúc đẩy TKNL của ngành Xây dựng, đồng thời là căn cứ pháp lý để triển khai các công cụ thực thi.
Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (dự án EECB) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)/UNDP do tài trợ, Bộ Xây dựng đang triển khai một số nhiệm vụ quan trọng như xác định đường tiêu thụ năng lượng đặc trưng (SEC), định mức năng lượng (benchmarking) và xây dựng hệ thống dán nhãn hiệu quả năng lượng (HQNL) cho công trình…
Kết quả của dự án chính là tiền đề để Bộ Xây dựng ban hành các công cụ nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong công trình.
Giám sát tiêu thụ năng lượng trong công trình
Chuyên gia dự án EECB, ông Nicolas Jallade và ông Phí Gia Khánh biết: SEC được sử dụng làm đại lượng so sánh HQNL để đánh giá hoặc đo hiệu suất của HQNL trong một khoảng thời gian cụ thể, trong một khu vực khí hậu nhất định.
SEC thường được biểu thị bằng tỷ lệ giữa điện năng tiêu thụ trong một năm và tổng diện tích sàn của tòa nhà. Mục tiêu chính của việc xác định đường SEC là thiết lập một phương pháp thống nhất để đánh giá hiệu quả của một (nhiều) loại tòa nhà, để có thể so sánh với các tòa nhà tương tự khác.
Trong khi đó, định mức năng lượng là một phương pháp giúp so sánh hiệu suất năng lượng của một tòa nhà với hiệu suất năng lượng của các tòa nhà khác được coi là tương tự hoặc thuộc cùng một loại hình tòa nhà và vùng khí hậu. Hệ thống định mức năng lượng cung cấp các giá trị đại diện cho các loại tòa nhà phổ biến để đánh giá hiệu suất thực tế của tòa nhà.
Chia sẻ về vai trò của việc giám sát tiêu thụ năng lượng trong công trình, chuyên gia quốc tế dự án EECB, ông Yannick Millet cho rằng: Trong vòng đời sử dụng năng lượng của công trình (từ quy hoạch, thiết kế đến xây dựng – vận hành – cải tạo – phá dỡ, tái sử dụng, tái chế), phần lớn năng lượng được tiêu thụ trong quá trình hoạt động của công trình, chiếm 80 – 90%. Do vậy, việc giám sát quá trình hoạt động của công trình là rất quan trọng.
Theo ông Yannick Millet, định mức năng lượng là công cụ quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với chủ quản lý công trình, dựa trên định mức tiêu thụ năng lượng, theo dõi tình hình sử dụng năng lượng, có kế hoạch đầu tư sửa chữa, cải tạo nhằm đảm bảo hiệu quả năng lượng của tòa nhà trong quá trình vận hành…
Tại Việt Nam, SEC, định mức năng lượng là những nội dung mới, lần đầu được nghiên cứu trong dự án EECB. Đến nay, dự án đã hoàn thành xây dựng phương pháp luận, đã khảo sát 195 tòa nhà, phân tích số liệu và thiết lập định mức năng lượng cho 06 loại hình công trình (khách sạn, trung tâm thương mại, công sở, văn phòng tư nhân…)
Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cho biết: Trên cơ sở kết quả của dự án, Bộ Xây dựng sẽ xem xét ban hành và tiếp tục hoàn thiện hơn nữa định mức năng lượng cho các loại tòa nhà khác nhau, đặc biệt là chung cư cao tầng.
Đề xuất hệ thống chứng nhận HQNL
Chứng nhận HQNL là quá trình đánh giá mức độ HQNL trong công trình, phản ánh khách quan mức tiêu thụ năng lượng của tòa nhà so với định mức sử dụng năng lượng.
Mục tiêu mà hoạt động chứng nhận HQNL hướng đến là hỗ trợ Chính phủ trong việc giảm tiêu thụ năng lượng trong công trình; cung cấp cho người ra quyết định trong ngành Xây dựng và thị trường BĐS thông tin khách quan về một công trình cụ thể; góp phần nâng cao hiểu biết nhận thức của người dân về hiệu suất tiêu thụ năng lượng công trình; tạo ra nhu cầu về công trình HQNL của thị trường BĐS…
Theo chuyên gia dự án EECB, ông Diarra Serge, hệ thống dán nhãn năng lượng hay còn gọi là chứng nhận HQNL đã được xây dựng và triển khai thành công ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, việc triển khai hoạt động chứng nhận HQNL cho tòa nhà còn gặp nhiều thách thức, bởi thiếu hành lang pháp lý, thiếu quy trình đánh giá và chứng nhận đáng tin cậy và minh bạch; số lượng chuyên gia đánh giá HQNL còn hạn chế; chưa có phần mềm tính toán kỹ thuật hay phần mềm mô phỏng năng lượng chính thức. Hơn nữa, thị trường BĐS hiện còn thờ ơ về công trình HQNL, không có khái niệm về thông tin so sánh và giá trị HQNL của công trình xây dựng…
Tuy vậy, chuyên gia Diarra Serge cũng chỉ ra Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trong học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng kế hoạch, phương thức đánh giá và chứng nhận HQNL cho công trình. Nhà nước đã xác định rõ nhiệm vụ HQNL cho công trình xây dựng…
Giống như SEC và định mức năng lượng, dự án EECB cũng đã nghiên cứu cơ sở xây dựng hệ thống chứng nhận HQNL và đề xuất áp dụng hệ thống chứng nhận HQNL đầu tiên được lựa chọn cho các tòa nhà hiện hữu ở Việt Nam.
Cụ thể, dự án EECB đã soạn thảo, trình ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 52003 về chỉ số, yêu cầu, xếp hạng và chứng nhận HQNL của tòa nhà…
Ông Nguyễn Công Thịnh nhận định: Kết quả nói trên là cơ sở khoa học để Bộ Xây dựng tham chiếu trong thông tư hướng dẫn hoạt động chứng nhận công trình HQNL. Do vậy, thời gian tới, chuyên gia dự án EECB cần khẩn trương hoàn thiện nội dung, quy trình chứng nhận cho Việt Nam, đưa vào Phụ lục quốc gia của TCVN ISO 52003.
“Với các kết quả đạt được ở các nội dung công việc như xác định SEC, định mức năng lượng và xây dựng hệ thống dán nhãn HQNL cho công trình… cùng các kết quả ở các hợp phần khác, dự án EECB đang góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ xây dựng các chính sách, công cụ nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam”- ông Thịnh ghi nhận.