Đường sắt đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu vận hành đúng hẹn
22/1/2021 11:26
Quyết tâm vượt qua những trở ngại, các cấp, ngành thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực phấn đấu không để các tuyến đường sắt đô thị (metro) trễ hẹn. Mục tiêu là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chạy thử trên toàn tuyến vào cuối năm 2021, khai thác thương mại vào năm 2022. Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) sẽ giải tỏa 100% mặt bằng, bàn giao trong năm 2021 và khởi công vào năm 2022.
Còn nhiều vướng mắc
Theo kế hoạch, tuyến metro số 1 sẽ vận hành thử đoạn trên cao (đoạn Long Bình – Bình Thái) vào tháng 9-2021 và vận hành thương mại từ cuối năm 2021. Thế nhưng, mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) thông tin, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên dự kiến sẽ phải lùi thời gian vận hành thương mại sang năm 2022.
Phó Trưởng ban MAUR, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (tuyến metro số 1) Huỳnh Hồng Thanh lý giải, do các đối tác nước ngoài phải phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19, nên nhân lực, vật tư, thiết bị không kịp đưa về Việt Nam, khiến cho các gói thầu xây lắp hạ tầng kỹ thuật toàn tuyến bị chậm tiến độ. Điển hình là việc đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 đến tận tháng 10-2020 mới về Việt Nam, chậm 6 tháng so với kế hoạch.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đội ngũ chuyên gia nước ngoài chưa thể vào Việt Nam để bàn giao thiết bị, huấn luyện vận hành… “Cùng với đó, 2 vị trí gối cầu đường sắt trên cao bị lệch dầm khiến dự án phải có thêm thời gian khắc phục cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án”, ông Huỳnh Hồng Thanh thông tin.
Trong khi đó, đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), theo Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Văn Khoa, đến nay, các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 99,67% (601/603 trường hợp), trong đó các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%; tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 76,12% (459/603 trường hợp). Riêng quận 3, hiện mới chỉ dừng lại ở việc lập phương án bồi thường, người dân chưa đồng tình với hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng vì cho rằng thấp hơn nhiều so với thực tế. Do đó, toàn quận có 113 trường hợp thuộc diện giải tỏa nhưng đến tháng 2-2021 mới chỉ có 37 hộ bàn giao mặt bằng.
Quyết tâm không để trễ hẹn
Để khắc phục những vướng mắc trên, các cấp, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, đối với tuyến metro số 1, gói thầu nào nhà thầu trong nước có thể tiến hành sẽ đề xuất tổng thầu cho triển khai ngay. Mới đây (ngày 18-2), MAUR cùng với nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) và các đơn vị thi công đã tiến hành lắp đặt hạng mục hệ thống cấp điện trên toàn tuyến. Theo ông Huỳnh Hồng Thanh, đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển giai đoạn mạnh mẽ của dự án, từ thi công kết cấu hạ tầng sang bước chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thử nghiệm để chạy thử vào cuối năm 2021 và khai thác thương mại vào năm 2022.
Cũng theo ông Huỳnh Hồng Thanh, MAUR sẽ cùng các nhà thầu tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa thi công nhiều mũi, vừa phòng, chống dịch trên công trường, nhằm bảo đảm tiến độ dự án. Các chuyên gia của dự án tiếp tục được nhập cảnh vào Việt Nam theo đợt, được cách ly và xét nghiệm tầm soát Covid-19 đúng quy định. Đến nay, tuyến metro số 1 đã đạt trên 82% khối lượng công việc.
Đối với tuyến metro số 2, Trưởng ban MAUR Bùi Xuân Cường cho biết, công tác giải phóng mặt bằng và tiếp nhận bàn giao mặt bằng đang được các địa phương phấn đấu hoàn thành vào quý II-2021. Mặt khác, MAUR đang phối hợp với các đơn vị chuyên ngành quản lý về hạ tầng kỹ thuật thống nhất phương án thi công từ quý IV-2021 để khởi công xây dựng vào năm 2022. Để làm được điều này, tại 6/10 nhà ga trên tuyến đã có mặt bằng, MAUR sẽ triển khai thi công di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Cáp viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, điện… trong phạm vi ranh giới dự án để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công các hạng mục chính.
Về nguồn vốn, MAUR cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ mời thầu cho các gói thầu chính và thực hiện các thủ tục phê duyệt theo quy định, đàm phán các khoản vay bổ sung đã được các nhà tài trợ cam kết. Riêng nguồn vốn về bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, đã được bố trí từ vốn ngân sách thành phố.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là tại quận 3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hòa Bình đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong diện giải tỏa của dự án, bảo đảm sát thực tế hơn.