Ninh Thuận: Cát nhân tạo có thể thay thế cát tự nhiên trong ngành Xây dựng?

15:45 | 30/03/2021

 

Trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu cát dùng cho xây dựng rất lớn và ngày càng gia tăng, điều đó đã kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự… Vì vậy, việc tạo ra cát nhân tạo sẽ giúp “giảm tải” nguồn nguyên liệu cát tự nhiên trong xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

 

Nắm bắt được nhu cầu cát dùng cho xây dựng đang tăng nhanh, nguồn cát tự nhiên không đủ cung cấp cho thị trường. Hiện nay, một số doanh nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo. Đây là nguồn vật liệu tiềm năng, dần thay thế cát tự nhiên, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng công nghiệp, dân dụng và đảm bảo cân bằng môi trường.

Theo Công ty Cổ phần xây dựng Ninh Thuận cho biết, trước đây khoảng 70% lớp đất mặt tại các mỏ đá do khai thác chỉ được dùng làm vật liệu san lấp, phần còn lại thải ra môi trường. Cách làm này không khai thác hết nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Từ năm 2019, Công ty Cổ phần xây dựng Ninh Thuận đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, nhờ đó, toàn bộ lớp đất mặt tại các mỏ đá được sàng lọc thành cát.

 

Cát nhân tạo có thể thay thế cát tự nhiên trong ngành Xây dựng

Hiện nay, toàn bộ lớp đất mặt tại các mỏ đá do Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận khai thác được chuyển vào dây chuyền nghiền mịn, rửa sạch cho ra thành phẩm là cát nhân tạo, còn lớp bùn sét được tách ra dùng làm gạch. Với 2 dây chuyền sản xuất, mỗi năm, Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận cung cấp cho thị trường 80 ngàn m3 cát nhân tạo, với giá bán 240.000 đồng/m3.

Với những đặc tính phù hợp để sản xuất bê tông. Từ năm 2019, Nhà máy bê tông Ninh Thuận đã mạnh dạng dùng cát nhân tạo để thay thế hoàn toàn cát tự nhiên trong sản xuất bê tông, với khối lượng mỗi ngày trên 400m3. Việc dùng cát nhân tạo giúp giảm 5% chi phí sản xuất, đồng thời, chất lượng bê tông đảm bảo hơn nên được thị trường tin dùng.

 

Ông Hồ Ngọc Tiến – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Về mặt quản lý chất lượng chúng tôi thấy rằng đưa toàn bộ lớp đất mặt tại các mỏ đá chuyển vào dây chuyền nghiền mịn, rửa sạch cho ra thành phẩm, phục vụ trong ngành Xây dựng có rất nhiều hiệu quả và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của xây dựng công trình”.

Ông Lê Huyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá cát nhân tạo là nguồn vật liệu tiềm năng của ngành Xây dựng, giảm áp lực khai thác cát tự nhiên. Do đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cát nhân tạo và ưu tiên trong các công trình sử dụng vốn ngân sách.

 

Cát nhân tạo có khả năng thay thế cho cát tự nhiên dùng cho ngành Xây dựng. Nguồn vật liệu tiềm năng này vừa giải quyết việc khai thác tối ưu nguồn tài nguyên, hạn chế khai thác cát tự nhiên, vừa bảo vệ môi trường. Hiện nay, Công ty Cổ phần xây dựng Ninh Thuận đã đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, nâng công suất lên 200.000 m3/năm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

 

Chia sẻ