Nới quy chuẩn quy hoạch để đầu tư hạ tầng

19/2/2021  10:34

 

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong năm 2021, sẽ trình Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một số nội dung trong dự thảo vẫn còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch xây dựng đã làm hạn chế sự tham gia của DN khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài ranh giới dự án quy mô nhỏ.

 

Phát sinh vướng mắc

 

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng có nhiều điểm mới nhưng vẫn còn một số điểm chưa được làm rõ hoặc chưa được sửa đổi một cách triệt để như: Quy định dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn; phân loại dự án đầu tư xây dựng, trình tự đầu tư xây dựng; quy định chung về thẩm định tại cơ quan chuyên môn quản lý xây dựng, thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn quản lý xây dựng…

 

Một trong những vướng mắc của dự thảo liên quan đến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng chưa thật sự phù hợp với các dự án nhà ở có quy mô nhỏ hơn đơn vị ở hoặc đơn vị ở quy mô nhỏ. Cụ thể, quy mô dân số tại đơn vị ở tối thiểu là 4.000 người (đô thị miền núi là 2.800 người), tối đa là 20.000 người. Mỗi đơn vị ở phải bố trí đầy đủ công trình dịch vụ – công cộng đảm bảo phục vụ đủ cho dân cư khu vực quy hoạch, khu vực lân cận và dân số vãng lai đã quy đổi gồm: Trường học đủ 3 cấp từ mầm non đến THCS, trạm y tế, sân chơi nhóm nhà ở, trung tâm văn hóa – thể thao, chợ.“Đối với đơn vị ở tại đô thị loại I, II có quy mô dân số tối thiểu 4.000 người, thì chỉ tương đương 1.000 căn nhà, diện tích đất sử dụng khoảng 6ha ở dự án nhà phố, nếu là dự án nhà chung cư 20 – 25 tầng sử dụng đất khoảng 2ha.

 

Nới quy chuẩn quy hoạch để đầu tư hạ tầng

 

Ở đây rõ ràng phát sinh thêm vướng mắc, vì quy chuẩn kỹ thuật nêu trên chỉ phù hợp với những đơn vị ở quy mô lớn” – ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.Hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng Cũng theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, cách đây khoảng 10 năm, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở quy mô nhỏ đã có cách làm rất hiệu quả và hợp lý trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bên ngoài ranh giới dự án.

 

Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm mô hình chủ đầu tư tự đóng góp kinh phí để thực hiện nhưng đến nay do vướng mắc quy định liên quan đến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nên đã phải ngừng thực hiện cơ chế thí điểm này. “Chính phủ nên xem xét cho phép cơ chế thực hiện thí điểm việc chủ đầu tư dự án nhà ở tự nguyện đóng góp kinh phí vào ngân sách Nhà nước địa phương để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội ngoài dự án, đối với các dự án có quy mô nhỏ” – ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

 

Trao đổi xoay quanh quy chuẩn trên, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý đầu tư xây dựng được đổi mới, tăng cường theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chất lượng công trình xây dựng trong cả nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, đưa vào vận hành. Giai đoạn từ 2016 – 2021, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án của Bộ Xây dựng vào khoảng 2,3 – 4,83% tổng mức đầu tư.

 

Tỷ lệ cắt giảm dự toán sau thẩm định khoảng từ 3,7 – 4,3% giá trị đề nghị thẩm định. Tỷ lệ cắt giảm dự toán sau thẩm định tại địa phương khoảng từ 3,7 – 4,3% giá trị đề nghị thẩm định. Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 1,3 – 4,2% tổng mức đầu tư…Tuy nhiên, theo ông Tạ Quang Vinh, nhìn nhận một cách khách quan, hệ thống pháp luật về xây dựng, phương pháp xây dựng quy hoạch, định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan xây dựng có một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay. Việc bám sát, theo dõi, đánh giá tác động chính sách, xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn cũng chưa kịp thời, thường xuyên.

 

Chia sẻ