“Nóng” cuộc đua cao ốc ở Đà Nẵng
5 năm trước, Đà Nẵng chỉ có vài cao ốc trên 30 tầng. Tuy nhiên, cuộc đua xây cao ốc diễn ra mạnh mẽ, hàng loạt cao ốc 40, 50 tầng được xây dựng đã đưa Đà Nẵng trở thành đô thị có nhiều nhà cao tầng đứng thứ 3 Việt Nam, thứ 11 Đông Nam Á. Bên cạnh việc tạo ra một bộ mặt đô thị hiện đại, các cao ốc dày đặc khu vực ven sông, ven biển cũng đặt ra những hệ lụy cho TP.
Hàng trăm cao ốc, chủ yếu ven sông, ven biển được Đà Nẵng cấp phép, triển khai xây dựng trong vài năm qua đã khiến bộ mặt đô thị TP thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại. Theo số liệu cấp phép xây dựng công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên) tại Sở Xây dựng Đà Nẵng tính từ năm 2016 đến nay là 372 hồ sơ. Đà Nẵng hiện là TP đứng thứ 3 của Việt Nam sau Hà Nội, TPHCM và đứng thứ 11 trong các TP lớn của Đông Nam Á có nhiều nhà cao tầng nhất.
Tính đến tháng 7-2020, Đà Nẵng có 155 tòa nhà cao trên 12 tầng và 4 tòa nhà cao trên 200 m đang được xây dựng. Nổi bật có thể kể đến như Tổ hợp căn hộ, thương mại dịch vụ và khách sạn Alphanam Luxury trên đường Võ Nguyên Giáp với 2 tầng hầm, 36 tầng nổi cao 120m. Tổ hợp căn hộ khách sạn Condo 2 thuộc dự án Quần thể đô thị du lịch quốc tế Ariyana đường Võ Nguyên Giáp với 2 tầng hầm, 25 tầng nổi. Tháp CT1&2 thuộc dự án Đà Nẵng Times Square góc đường Phạm Văn Đồng – Võ Nguyên Giáp với 2 tầng hầm và 50 tầng nổi, cao 190m, gồm 1.254 căn hộ du lịch và 8 căn shophouse. Tháp A1, Dự án tổ hợp Ánh Dương – Soleil lô A6, góc đường Phạm Văn Đồng – Võ Nguyên Giáp với 2 tầng hầm, 57 tầng nổi, gồm 1.186 căn hộ du lịch. Đây là tòa nhà cao nhất miền Trung hiện nay.
Sở dĩ các cao ốc phát triển với số lượng chóng mặt ở Đà Nẵng bắt đầu từ sự kiện APEC cuối năm 2017. Để đón đầu sự kiện đặc biệt này, ngay từ đầu năm 2016, hàng loạt dự án đã có quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư liền triển khai xây dựng tích cực. Sau APEC, hình ảnh du lịch, môi trường đầu tư Đà Nẵng được quảng bá ra thế giới, kéo theo dòng vốn đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng của TP. Trong định hướng phát triển của TP, lĩnh vực du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng cũng được ưu tiên phát triển, kêu gọi đầu tư.
TP tạo điều kiện tốt nhất để phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, từ đây hàng loạt dự án du lịch lớn, tầm cỡ đã triển khai, hình thành hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng quốc tế do các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới trực tiếp quản lý. Có thể kể tới như Ariyana, Nam An Retreat, Mường Thanh Luxury, Vinpearl Resort & Spa, Risemount Premier Resort, Sheraton Grand, Da Nang Golden Bay, Grand Tourance…
Cũng trong vài năm qua, khách du lịch tới Đà Nẵng liên tục tăng kỷ lục (TP có 40 đường bay quốc tế với tần suất 480 chuyến/tuần, 8 đường bay nội địa tần suất 647 chuyến/tuần). Chính điều đó khiến dòng vốn đầu tư vào du lịch, cụ thể là các dự án hạ tầng du lịch liên tục tăng, đồng nghĩa với các cao ốc phục vụ du lịch, dịch vụ cũng tăng chóng mặt. Số liệu cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng thu hút hơn 66,8 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, trong đó chỉ với 50 dự án đầu tư ngoài KCN, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, bất động sản đã chiếm hơn 63,2 ngàn tỷ đồng.
Việc phát triển nhiều cao ốc không chỉ tạo hạ tầng hiện đại cho lĩnh vực dịch vụ, du lịch còn tạo diện mạo đô thị khang trang. Tuy nhiên, các cao ốc tập trung dày đặc khu vực ven biển, ven sông Hàn cũng đặt ra nhiều áp lực về ùn tắc giao thông, bãi đậu đỗ xe, quá tải cấp nước sinh hoạt, nước thải… nhất là vào mùa cao điểm du lịch. Chưa kể, các cao ốc tập trung dày đặc một số nơi, che chắn không gian mặt sông, mặt biển cũng tác động đến không gian kiến trúc đô thị. Không ít dự án cao ốc sau khi được phê duyệt cấp phép đã xin điều chỉnh tăng tầng, tăng chiều cao… làm phức tạp thêm về không gian kiến trúc cảnh quan.
Đơn cử như dự án khách sạn Fivitellô góc đường Trần Hưng Đạo được cấp phép 19 tầng nổi, cao 67,5m, 55 phòng ngủ vào năm 2016 thì đến năm 2017 xin điều chỉnh tăng lên 25 tầng nổi, cao 86,7m, 85 phòng ngủ. Hoặc Tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch Marriott và nhà ở để bán tại 58 – Bạch Đằng, đã xin điều chỉnh tăng từ 4 tầng hầm 35 tầng nổi lên 5 tầng hầm 45 tầng nổi, chiều cao công trình từ 118,5m lên 150 m.
Tuy nhiên theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, các lô đất có mặt tiền đường lớn được xem xét xây dựng cao tầng bởi các lý do: Có tầm nhìn cảm thụ công trình kiến trúc, thuận lợi cho việc tích hợp các phương tiện giao thông công cộng về sau, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đối với các vị trí ven biển phát huy được tầm nhìn ra biển, nâng cao hiệu quả khai thác hướng nhìn, cảnh quan, cho nên từ trước đến nay TP cho phép các công trình ven biển cao tầng. Cụ thể, với công trình Soleil Ánh Dương có vị trí đặc biệt, giao giữa 2 trục đường lớn thuận lợi giao thông công cộng đa chiều, hướng ra quảng trường biển có tầm nhìn thoát rộng, do đó TP phê duyệt quy hoạch 1/500 vào năm 2016 gồm có 4 khối công trình cao từ 50-57 tầng.
Tại vị trí này đơn vị tư vấn Surbana Jurong cũng đã đề xuất là cụm điểm nhấn kiến trúc trong đồ án quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Với tổ hợp căn hộ, khách sạn Marriott, Sở Xây dựng cho biết TP phê duyệt quy hoạch 1/ 500 từ năm 2011 là công trình cao tầng. Thời điểm này TP chưa có công trình cao tầng nên khuyến khích xây cao, hơn nữa các công trình ven sông có tầm nhìn thoát về phía sông, chủ đầu tư cũng đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài là Cty Salvador Perez Arrozo thiết kế phương án kiến trúc đảm bảo về thẩm mỹ.