Phát triển hạ tầng giao thông ở Ba Chẽ
15/04/2021, 09:01
Xác định hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, Ba Chẽ đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông miền núi, bước đầu phát huy hiệu quả.
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, điều kiện kinh tế – xã hội của huyện đã được cải thiện nhưng Ba Chẽ vẫn là huyện khó khăn nhất của tỉnh, dư địa kinh tế thấp, hạ tầng tuy được đầu tư, song chưa đồng bộ, đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, trong đó “nút thắt” cơ bản vẫn là hệ thống giao thông.
Để tháo gỡ dần “nút thắt” này, tạo bước phát triển bền vững, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, ngay từ năm 2011, Ba Chẽ đã tập trung khảo sát, định hướng quy hoạch về giao thông nông thôn trên địa bàn huyện để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế – xã hội gắn với an ninh – quốc phòng, từng bước phát triển phù hợp với định hướng chung về quy hoạch giao thông của tỉnh. Với chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn, sát thực tiễn, huyện tập trung huy động, linh hoạt lồng ghép từ nhiều nguồn để phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Đặc biệt, coi trọng tuyên truyền vận động đóng góp tự nguyện của nhân dân với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Huyện đã thực hiện xây dựng và nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, các công trình cầu lớn, mở mới đường giao thông đến trung tâm các xã…
Đến nay, hầu hết các đường huyết mạch, quan trọng của huyện đều đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp làm mới, tạo điều kiện cho giao thông đi lại, mở ra cơ hội lớn để giao lưu kinh tế trong và ngoài huyện. Ba Chẽ cũng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ huyện đến các địa phương. Giao thông kết nối giữa huyện với các xã và thôn bản được bê tông hóa 100%, cải tạo nâng cấp các tuyến đường tránh lũ trung tâm thị trấn, đường tránh lũ tỉnh lộ 329; nâng cấp các điểm ngập lụt…
Chỉ tính trong giai đoạn 2015-2020, hệ thống đường huyện 6 tuyến, với tổng chiều dài 65,66km cứng hóa (nâng cấp, cải tạo mở rộng 18,291km so với năm 2015). Đường xã 37 tuyến, với tổng chiều dài 105,7km cứng hóa, so với năm 2015 tăng 22 tuyến và 47,15km cứng hóa. Đường thôn 47 tuyến, với tổng chiều dài 51,21km cứng hóa, tăng 33 tuyến so với năm 2015. Đường ngõ xóm 47 tuyến, với tổng chiều dài 66,80km cứng hóa, tăng 24 tuyến và 11,35km cứng hóa so với năm 2015. Đường sản xuất 24 tuyến, với tổng chiều dài 20,64km cứng hóa, tăng 19 tuyến và 9,94km cứng hóa so với năm 2015; huyện cũng triển khai nâng cấp, chỉnh trang 9/15,68km đường đô thị.
Huyện cũng hoàn thành đầu tư bến xe khách tại thị trấn Ba Chẽ với diện tích 5.000m2 vào năm 2020, góp phần phục vụ nhu cầu đón trả khách trên địa bàn.
Cùng với phát triển hệ thống giao thông nông thôn, Ba Chẽ tranh thủ thời cơ, điều kiện, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 15,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ba Chẽ: Trong thời gian tới, Ba Chẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch vùng huyện, trong đó tích hợp quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các vùng có động lực phát triển cao như: TP Hạ Long, TP Cẩm Phả.
Cùng với đó, nâng cấp hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã đảm bảo theo quy hoạch, trong đó ưu tiên, nâng cấp cải tạo các tuyến đường quan trọng, huyết mạnh cụ thể: Tiếp tục nâng cấp đồng bộ đường tỉnh 330, 330B, 342 theo quy hoạch (đặc biệt tập trung hoàn thiện ngay 8 điểm còn ngập lụt trên đường tỉnh 330); đến năm 2022 triển khai đầu tư xây cầu nối từ đường tỉnh 330 đến thị trấn Ba Chẽ và hệ thống kè bờ sông Ba Chẽ giai đoạn 2 trong giai đoạn 2021-2025. Thực hiện tốt quy chế quản lý giao thông, trong đó phân cấp quản lý duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông cho các xã, thôn quản lý và khai thác sử dụng, để các đơn vị chủ động kinh phí duy tu bảo vệ sửa chữa thường xuyên nhằm tăng tuổi thọ của công trình và phát huy hiệu quả vốn đầu tư.