Quảng Ninh: Xây dựng đồng bộ các quy hoạch, hướng tới phát triển đô thị thông minh
08:35 | 20/04/2021
Những năm qua, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị của Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh Quảng Ninh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước, phát huy vai trò hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, đáp ứng mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Công tác quy hoạch xây dựng được ưu tiên hàng đầu
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch chiến lược; đã mời gọi các tư vấn nước ngoài lập, phê duyệt và triển khai đồng bộ 07 quy hoạch chiến lược tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác lập quy hoạch và nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh. Công tác quy hoạch xây dựng luôn được ưu tiên đầu tư đi trước để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng phát triển cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị. Đồng thời, phải đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo gắn sát với thực tiễn và xu hướng phát triển của tỉnh, thật sự trở thành nền tảng cho việc tạo dựng nguồn lực phát triển cho đô thị.
Quảng Ninh có hệ thống đô thị khá phát triển: 13 đơn vị hành chính, hạt nhân phát triển là 13 đô thị; trong đó: 01 đô thị loại I (thành phố Hạ Long); 03 đô thị loại II (thành phố Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái); 02 đô thị loại III (thị xã Đông Triều, Quảng Yên); 02 đô thị loại IV (thị trấn Cái Rồng- Vân Đồn và thị trấn Tiên Yên – huyện Tiên Yên); 06 đô thị loại V (thị trấn Cô Tô – huyện Cô Tô, thị trấn Ba Chẽ – huyện Ba Chẽ, thị trấn Tiên Yên – huyện Tiên Yên, thị trấn Đầm Hà – huyện Đầm Hà, thị trấn Bình Liêu – huyện Bình Liêu, thị trấn Quảng Hà – huyện Hải Hà); tỷ lệ đô thị hóa 65,70%.
Công tác quy hoạch xây dựng tại các địa phương đã được triển khai đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển theo định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh được duyệt. Quy hoạch chung xây dựng đạt 100%, Quy hoạch phân khu đạt khoảng 60%.
Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 07/4/2020). Theo đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về hành động của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về mô hình và phương thức phát triển đặc sắc của Quảng Ninh, nhất là quá trình chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh” đang mang lại hiệu quả to lớn, rõ nét.
Đồng thời để phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển mới theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ (thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên; hình thành tuyến đường ven sông kết nốt từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; định hướng phát triển Logistics). Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai lập Quy hoạch xây dựng vùng Đông Triều – Uông Bí – Quảng Yên (Khu vực Tây Nam quốc lộ 18A) tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (tỷ lệ 1/25.000) và lập Quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển Quảng Yên.
Trên cơ sở định hướng từ các quy hoạch, tỉnh đã dành nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, kêu gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, như cao tốc Hạ Long-Hải Phòng; cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Uông Bí, Uông Bí-Đông Triều; đường vào Khu công nghiệp Việt Hưng, Khu công nghiệp Hải Hà; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… Chính vì vậy, có thể thấy tốc độ đô thị hoá trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều và huyện Tiên Yên.
Việc Quảng Ninh có tốc độ đô thị hóa nhanh và đạt được kết quả như hiện nay thể hiện nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh, với mục tiêu cao nhất là phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Hướng tới phát triển đô thị thông minh
Với mục tiêu quy hoạch đô thị hướng tới đô thị thông minh, khắc phục hạn chế, thách thức, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nghiên cứu xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh theo hướng tăng trưởng bền vững, phát huy các tiềm năng và lợi thế trên cơ sở khai thác có hiệu quả các sản phẩm của Đề án Chính quyền điện tử và Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh.
Đề án mô hình thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2016, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng phát triển kho tích hợp dữ liệu dùng chung trong tất cả các lĩnh vực; hình thành công cụ quản lý tất cả trong một nền tảng, các tiện ích cho người dùng. Qua đó, thúc đẩy đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch… Đề án hoạch định ra các giai đoạn hình thành, phát triển, xây dựng các dự án thành phần.
Giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh tập trung xây dựng 32 nhiệm vụ, dự án, hình thành hệ thống trung tâm điều hành, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho thành phố thông minh. Phấn đấu đến cuối năm 2020, xây dựng thành phố Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh; đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố thông minh, hiện đại trong các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.
Tháng 3/2020, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND về phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến 2025 Quảng Ninh có 4 đô thị thông minh tại 4 thành phố; đến năm 2030, các địa phương còn lại đạt được các tiêu chí của đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, dữ liệu về xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại tối thiểu 4 thành phố trên địa bàn tỉnh, đồng thời cung cấp các tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân.
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư, thực hiện 16 dự án, nhiệm vụ: Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đến năm 2020; Đề án xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; triển khai Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025; hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh; Đề án nhân rộng mô hình thành phố thông minh tại Uông Bí giai đoạn 2018-2022, tại Cẩm Phả giai đoạn 2018-2025, tại Móng Cái giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đô thị thông minh cho các cơ quan nhà nước của tỉnh, tổ chức và người dân; hệ thống wifi công cộng trên địa bàn tỉnh…
Có thể thấy, Quảng Ninh hôm nay đã được kết nối nhanh và thông suốt với các địa phương trong cả nước và thế giới, bằng các tuyến đường cao tốc, cảng biển, sân bay quốc tế và chúng ta có thể tin tưởng rằng Quảng Ninh sẽ tiếp tục trên đà phát triển mạnh mẽ để “vươn mình ra biển lớn”.