Thanh tra Bộ Xây dựng: Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm

18/2/2021  11:18

 

Nhờ đẩy mạnh, đổi mới hoạt động thanh, kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng bảo đảm trật tự, kỷ cương; phát huy được vai trò chủ trì tham mưu thực hiện công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

 

Trước thềm năm mới 2021, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng dành cho phóng viên Báo Xây dựng cuộc phỏng vấn về những kết quả đạt được trong những năm qua và mục tiêu, giải pháp mà Thanh tra Bộ Xây dựng đang quyết tâm thực hiện trong năm tới.

Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn và thử thách, nhưng hoạt động thanh, kiểm tra luôn được đảm bảo với nhiều kết quả tích cực. Ông có thể chia sẻ về những thành tích nổi bật mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã đạt được trong 5 năm qua và riêng năm 2020?

 

– Trong giai đoạn từ 15/12/2015 đến 15/6/2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 340 đoàn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và chỉ đạo của Bộ trưởng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như quy hoạch, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh BĐS; giải quyết khiếu nại về nhà đất…; thanh tra hành chính đối với các đơn vị trực thuộc Bộ.

Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra liên ngành, trong đó đã cử cán bộ tham gia hàng chục đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì (năm 2016, 2017), Bộ Công Thương chủ trì (năm 2018); tham gia ý kiến nhiều dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành đối với các nội dung quan trọng có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Trong 5 năm, Thanh tra Bộ đã ban hành 337 kết luận đoàn thanh tra; kiến nghị, yêu cầu xử lý về kinh tế (lũy kế từ 15/12/2015 đến 15/9/2020): Tổng số tiền 13.226,9 tỷ đồng; ban hành 447 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với số tiền 186,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 374 tập thể và 201 cá nhân để xảy ra vi phạm.

 

Thanh tra Bộ Xây dựng: Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm

Như bạn đã biết, năm 2020 là một năm đầy biến động và thử thách đối với những người làm công tác quản lý nhà nước. Tuy vậy, tập thể lãnh đạo Thanh tra cùng toàn thể cán bộ, công chức Thanh tra Bộ đã nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tại báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ của Bộ Xây dựng được công bố ngày 26/12/2020 đã khẳng định: “Hoạt động thanh tra tiếp tục được tăng cường, các chương trình, kế hoạch thanh tra và các cuộc thanh tra đột xuất được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, kết luận các cuộc thanh tra cụ thể, rõ ràng; các vi phạm, tồn tại được kiến nghị xử lý kịp thời và được đối tượng thanh tra nghiêm túc chấp hành. Qua đó đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Xây dựng và phát huy được vai trò chủ trì tham mưu thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”.

Đặc biệt, năm 2020, Thanh tra Bộ đã thực hiện 11 đoàn thanh tra có quy mô lớn cấp tỉnh theo kế hoạch và đột xuất, đạt 220% kế hoạch như: Thanh tra công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại UBND 2 tỉnh Hòa Bình, Tây Ninh; công tác quy hoạch hoạch 2 tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội và Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM; công tác quản lý sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư tại 16 chủ đầu tư các dự án trên địa bàn TP Hà Nội… Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý về tài chính 131,5 tỷ đồng.

 

Một trong những thành tích nổi bật của Thanh tra Bộ Xây dựng là hoàn thành vượt mức, đạt 220% kế hoạch thanh tra năm 2020. Yếu tố nào quyết định để đạt kết quả như vậy, thưa ông?

– Trước hết phải kể đến sự đoàn kết một lòng, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của tập thể lãnh đạo và toàn thể công chức, người lao động trong cơ quan Thanh tra. Với phương châm “Kỷ cương – Khoa học”, việc tổ chức, triển khai thực hiện từng nhiệm vụ đều có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo thanh tra. Như việc xây dựng Kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phủ kín và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành; tập trung vào một số vấn đề nổi cộm hiện nay; bảo đảm cân đối trong hoạt động thanh tra, các dự án được thanh tra có quy mô lớn, mang tính đại diện cho ngành, lĩnh vực được thanh tra; không chồng chéo và phù hợp với nhân lực của Thanh tra Bộ.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát đoàn thanh tra tiếp tục được tăng cường. Thanh tra Bộ đã thực hiện giám sát đầy đủ đối với các đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất năm 2020; kỷ luật, kỷ cương đoàn thanh tra luôn được chú trọng. Chính vì vậy trong quá trình thanh tra không phát sinh khiếu nại, phản ánh về trình tự thủ tục triển khai, cũng như thái độ, đạo đức của thành viên đoàn khi thực hiện nhiệm vụ.

 

Để khẳng định vị thế, sức mạnh của lực lượng thanh tra, từ những kết quả đạt được, thời gian tới Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ có những định hướng hoạt động ra sao, thưa ông?

– Bước sang năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ và Tổng Thanh tra Chính phủ, với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của ngành được lãnh đạo Bộ giao, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ chú trọng vào một số nội dung sau:

Một là, đề cao công tác khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình và xác định cụ thể phạm vi, nội dung thanh tra, nhân sự trước khi ban hành quyết định thanh tra theo quy định của Thông tư 05/2014/TT-TTCP.

Hai là, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động đoàn thanh tra, nâng cao chất lượng đoàn thanh tra gắn với đạo đức công vụ; tổng hợp bất cập, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chính sách và quy định của pháp luật qua công tác thanh tra; tăng cường kiểm tra đôn đốc, xử lý sau thanh tra đảm bảo việc thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra.

Ba là, thực hiện nghiêm các kế hoạch, chương trình hành động của Bộ Xây dựng triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra 2021 được phê duyệt đảm bảo phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Bốn là, tiếp tục tham mưu với lãnh đạo Bộ triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Năm là, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Bộ để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó triển khai có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sáu là, tăng cường, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng có bản lĩnh chính trị, kỷ cương, trách nhiệm, vững về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên duy trì công tác giao ban theo định kỳ, kịp thời triển khai, cũng như kiểm đếm đánh giá kết quả hoạt động để có phương hướng chỉ đạo điều hành sát với yêu cầu nhiệm vụ.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Chia sẻ