Tranh luận việc không có hệ thống sân bay chuyên dùng trong quy hoạch sân bay

8/3/2021  9:05

 

Nhiều chuyên gia hàng không đặt vấn đề tại sao trong quy hoạch sân bay không đề cập đến việc phát triển các sân bay chuyên dùng ở Việt Nam trong khi tiềm năng đối với loại hình sân bay này khá lớn.

 

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch).

Trong đó, một vấn đề nhiều chuyên gia đặt ra là tại sao trong quy hoạch không đề cập đến việc phát triển các sân bay chuyên dùng ở Việt Nam trong khi tiềm năng đối với loại hình sân bay này ở Việt Nam khá lớn.

 

TS Bùi Văn Võ, Hội Khoa học và công nghệ Hàng không Việt Nam, đề nghị quy hoạch cần bổ sung hệ thống sân bay chuyên dùng. Sân bay chuyên dùng là khu vực được xác định trên mặt đất, dải mặt nước, công trình nhân tạo sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng.

 

TS Trần Quang Châu, Chủ tịch hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, cho rằng quy hoạch còn chưa quan tâm đến hoạt động của hàng không chung cộng với thiếu quy hoạch các sân bay nhỏ phục vụ cho kinh tế và quốc phòng. “Lộ trình xây dựng hệ thống sân bay chưa toàn diện. Theo tôi, với đặc thù địa – kinh tế – chính trị của Việt Nam, trong tương lai gần nhu cầu phát triển hàng không chung sẽ rất lớn. Trong khi đó quy hoạch này chưa nên đầy đủ vấn đề đặt ra”- TS Trần Quang Châu nêu ý kiến.

 

Ths Trần Tuấn Linh, nguyên trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường Cục Hàng không Việt Nam, Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển Viện khoa học hàng không, cũng cho rằng quy hoạch còn thiếu sân bay chuyên dùng. Có sân bay đề cập đến hoạt động hàng không chung như sân bay Điện Biên, có viết về bay trực thăng, máy bay doanh nhân, bay taxi, bay nông lâm nghiệp, địa chất, bay tìm kiếm cứu nạn, bay huấn luyện, thể thao… trong khi các sân bay khác cũng có nhu cầu rất lớn về hoạt động này lại hoàn toàn không được đề cập đến.

 

PGS-TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển, cho rằng phương tiện đi lại có sự thay đổi nhanh về công nghệ trong thời gian tới: Đường sắt tốc độ cao, ôtô tự lái, và taxi bay xuất hiện dẫn đến cần có những sân bay thích hợp trong khi nội dung chuyển tải sẽ có sự thay đổi lớn: Hàng hóa nhẹ, gọn, dễ hỏng sẽ có cơ hội là hàng hóa chủ yếu trong vận tải hàng không và hệ thống sân bay cần hướng tới các nhu cầu vận tải sẽ là chủ chốt này cho hàng không.

 

Tranh luận việc không có hệ thống sân bay chuyên dùng trong quy hoạch sân bay

Xe tự lái sẽ làm thay đổi bản chất của việc đi lại nên sẽ có ảnh hưởng lớn tới khoảng cách các sân bay trong khi taxi bay sẽ đưa đến nhu cầu có thêm các sân bay với quy mô và tính chất hoàn toàn khác. Những vấn đề này cũng nên tính tới trong quy hoạch.

Về vấn đề này, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) – đơn vị thực hiện quy hoạch – cho biết tùy theo nhu cầu có thể bố trí các sân bay chuyên dùng cho hoạt động hàng không chung. 30 sân bay đã nêu trong huy hoạch đến năm 2050 là sân bay dân dụng. Song hiện nay rất nhiều đề xuất xây sân bay từ các địa phương, có những khu vực đưa sân bay vào sẽ bị chồng chéo, đặt biệt là vùng trời, vùng bay và các vấn đề về nhu cầu.

Tuy nhiên, như cách người Mỹ thực hiện là đẩy mạnh các hoạt động hàng không chung, các sân bay nhỏ. Thậm chí ở Mỹ có những sân bay chỉ có mỗi đường cất hạ cánh và khu đỗ xe, dùng cho các chuyến bay tư nhân, dịch vụ y tế, nông nghiệp… với mạng lưới hơn 5.000 sân bay.

 

“Mô hình của Mỹ là một ví dụ để Việt Nam có thể xem xét: Đến năm 2050 giới hạn là 30 sân bay, không có nghĩa là ta không được phép phát triển các sân bay chuyên dùng. Sân bay chuyên dùng theo luật hiện nay thuộc quân sự quản lý. Hướng phát triển sân bay chuyên dùng cho hoạt động hàng không chung, chúng tôi cũng sẽ học hỏi mô hình của Mỹ để sau này có sự kết hợp hài hòa giữa 30 sân bay kết hợp với sân bay chuyên dùng”- đại diện TEDI cho biết.

 

Nói về việc hàng không chung và quy hoạch các sân bay chuyên dụng có nên đưa vào quy hoạch không, ông Nguyễn Bách Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, cho biết: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) năm 2014 quy định bổ sung khoản 6 Điều 49 như sau: “Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng”. Như vậy, quy hoạch các sân bay chuyên dùng do Bộ Quốc phòng chủ trì quản lý.

Quyết định số 911/1997/QĐ-TTg ngày 24-10-2007 của Thủ tướng phê duyệt hệ thống sân bay toàn quốc có cả dân dụng và quân đội. Sau đó, hàng không dân dụng đã thực hiện 3 quy hoạch vào các năm 2009, 2018 và hiện nay. Còn phía quân đội từng làm quy hoạch hệ thống sân bay quân sự toàn quốc song không phê duyệt được, sau đó chưa có thêm quy hoạch nào.

 

Chia sẻ