Vì sao xin chuyển hai dự án PPP sang đầu tư công?
13/11/2020
Tư nhân đầu tư sẽ nhanh, tiết kiệm và hiệu quả hơn nhà nước đầu tư rất nhiều, vấn đề là cơ chế để cho họ tham gia…
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho biết, sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định hình thức đầu tư đối với hai dự án cao tốc Bắc Nam vừa bị hủy thầu.
Cụ thể là dự án quốc lộ 45 – Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu, đây là 2/5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, tuy nhiên, không có nhà đầu tư tham gia. Theo đó, Bộ GTVT muốn trình hai phương án, một là tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu nhưng lo ngại không bảo đảm tiến độ dự án. Hai là, chuyển sang đầu tư công. Phương án hai được Bộ GTVT đánh giá khả thi và chủ trương sẽ đề xuất điều chỉnh theo phương án này.
Bình luận về diến biến trên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Tài chính VN (VAFI) không ngạc nhiên và cho biết đó là xu hướng được dự báo trước. Chỉ ra những nguyên nhân, vị chuyên gia cho rằng có nguyên nhân từ khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, đứng từ góc độ nhà đầu tư, theo ông Hải, đầu tư vào lĩnh vực giao thông hạ tầng không đủ hấp dẫn, nhiều rủi ro. Lý do một phần do cơ chế, chính sách không rõ ràng, minh bạch, phần khác, chủ trương thu phí không thống nhất, thường xuyên thay đổi, khiến nhà đầu tư nản, không muốn tham gia.
Mặt khác, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng gặp nhiều khó khăn, do ngân hàng cho vay vốn phải dựa trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, vì lý do này cũng khiến các dự án PPP cao tốc đường bộ Bắc Nam phía Đông dần bị teo tóp.
Tính tới nay đã có 6/11 dự án thành phần được thực hiện theo hình thức đầu tư công, thay vì chỉ có 3/11 đoạn dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách, 8 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư hay còn được gọi là PPP, như dự kiến ban đầu.
Thứ hai, theo ông Hải cũng có nguyên nhân xuất phát từ quá trình thực hiện chủ trương đầu tư các dự án BOT trước đây còn nhiều kẽ hở, dẫn tới tiêu cực, sai phạm trong chỉ định thầu, một vài dự án BOT chỉ nâng cấp đường cũ nhưng lại thu phí như làm đường mới, đặt trạm BOT không đúng vị trí, đặt trạm BOT trên đường độc đạo… gây bức xúc, tạo thành làn sóng tẩy chay BOT, gây ảnh hưởng tới những nhà đầu tư mới, nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, khiến họ không mặn mà.
Thứ ba, ông Hải nhắc lại đề xuất của Bộ GTVT trước đó đã từng muốn chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước, với lý do đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm ngân sách…
Vì những lý do trên, vị chuyên gia cho rằng việc đề xuất xem xét lại phương án đầu tư tại hai dự án này xuất phát từ việc không có nhà đầu tư tham gia nhưng cũng có thể đó là chủ ý đã được tính toán từ trước, nhất là trong bối cảnh nhà nước đang muốn đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, coi đầu tư công là một kênh tăng trưởng.
Vấn đề cần bàn tiếp là có nên chuyển sang đầu tư công hay không? Và nếu chuyển các dự án PPP sang đầu tư công thì sẽ như thế nào? Trả lời cho câu hỏi trên, ông Hải phân tích tiếp:
Trước hết, cần khẳng định, thu hút nguồn lực từ xã hội hóa, phát triển các dự án hạ tầng theo hình thức PPP là rất cần thiết, tuy nhiên, việc đầu tiên là phải tạo được chính sách, cơ chế thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch, sòng phẳng giữa các bên.
Tiếp theo, cơ quan quản lý cũng không được gây khó khăn cho nhà đầu tư, giảm thiểu các khâu hành chính phức tạp, rườm rà, nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình phê duyệt, cấp phép cho dự án. Đặc biệt, ở khâu giải phóng mặt bằng, nhà nước cần tham gia, dự án giao cho nhà đầu tư phải có mặt bằng sạch để tránh tranh chấp, kiện tụng, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Vấn đề nữa là các thủ tục thanh quyết toán đơn giản, minh bạch, không có tiêu cực, tham nhũng; giá phí công khai, ổn định. Ông Hải nhấn mạnh, nhà đầu tư không phải đi xin nhà nước, nhà đầu tư là đối tác, hợp tác cùng nhà nước, vì thế, cơ chế phải rất sòng khẳng, thuận lợi.
“Bất kỳ dự án nào cũng vậy, nhà đầu tư chỉ mong muốn khi bỏ tiền ra đầu tư thì mọi cơ chế phải sòng phẳng, minh bạch, không cần ưu tiên, ưu ái, nếu làm được như vậy sẽ không phải lo dự án không có nhà đầu tư”, ông Hải nói.
Trường hợp, cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư PPP không thay đổi, các dự án phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là tất yếu, khi đó, những hệ lụy rất khó tránh khỏi.
Đầu tiên là không khuyến khích, thu hút, tận dụng được nguồn lực từ xã hội hóa vào đầu tư phát triển hạ tầng. Như vậy sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực từ tư nhân, không tạo ra những động lực, khích lệ khu vực tư nhân phát triển, trong khi, chúng ta lại đang thiếu vốn, phải đi vay nợ nước ngoài.
Việc này cũng đồng thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề nợ công quốc gia, nhất là những cảnh báo về nợ công ngày càng tăng cao, mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh gần 40 triệu tiền nợ công, việc vay vốn, đầu tư không hiệu quả sẽ dẫn tới những rủi ro rất lớn.
“Tôi khẳng định, tư nhân đầu tư sẽ nhanh, tiết kiệm và hiệu quả hơn nhà nước đầu tư rất nhiều.
Tôi lấy ví dụ, dự án giai đoạn hai của nhà máy Gang thép Thái Nguyên với công suất là 500.000 tấn phôi thép/năm, tổng vốn đầu tư lên tới 8.000 tỷ nhưng vẫn không hoạt động được.
Trong khi, dự án cùng công suất tại Hải Dương, nhưng Hòa Phát chỉ thực hiện trong 2 năm, với tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ, dự án đã nhanh chóng hoàn thành, đi vào hoạt động và rất hiệu quả.
Tôi muốn nhấn mạnh, cách thức làm các dự án tới đây cần phải tư nhân hóa, từ khâu đầu tư, giải phóng mặt bằng cho tới quản lý, vận hành dự án. Ở nhiều nước, nhà nước sẽ đứng ra tổ chức đấu thầu, lựa chọn các nhà quản lý dự án tư nhân, từ đó sẽ dần hình thành lên các công ty quản lý dự án tư nhân có uy tín, chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, các ban quản lý dự án tại Việt Nam lại thuộc các bộ, ngành nên dẫn tới rất nhiều bất cập.
Nếu giao cho các ban quản lý dự án tư nhân thực hiện, chắc chắn không có chuyện đội vốn, chậm tiến độ, lùm xùm tranh cãi công nghệ như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là không có nhà đầu tư tham gia mà là phải làm thế nào để tư nhân tham gia được, nhà nước không nên ôm đồm”, ông Hải nhấn mạnh.