Xây dựng hạ tầng đô thị: Ưu tiên dự án có giải pháp công nghệ
22/1/2021
Quá trình đô thị hóa đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống, vì vậy phát triển đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đem đến cho người dân môi trường sống an toàn; ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước được kiểm soát theo tiêu chuẩn, đồng thời vẫn tạo điều kiện phát triển kinh tế là mục tiêu lớn của Chính phủ.
Áp lực từ đô thị hóa
Số liệu tổng hợp từ Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam, năm 2020 tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt tỷ lệ 40%, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 45%. Quá trình đô thị hóa nhanh, khiến cho những tác động như khói bụi, khí thải, rác thải… lên môi trường sống ngày lớn.
Chỉ tính riêng Thủ đô Hà Nội, quy mô dân số khoảng 7,7 triệu người, trong đó 40% sống tại đô thị, mỗi ngày thải ra khoảng 5.500 – 6.000 tấn rác sinh hoạt, sử dụng khoảng 38 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Ước tính đến hết năm 2020 chất thải khí phát ra môi trường khoảng 4,053 triệu tấn CO2; khí nhà kính phát ra từ sử dụng năng lượng khoảng 18,2 triệu tấn CO2, dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 42,7 triệu tấn CO2 (tăng gấp hơn 3 lần năm 2015). Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có lượng dân số cao gấp trên 1,5 lần Hà Nội nên lượng rác thải, khí thải phát ra môi trường cũng tăng gấp 1,5 – 2 lần.
“Những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có tỷ trọng công nghiệp xây dựng rất cao, tỷ trọng đóng góp GDP của công nghiệp xây dựng vào tăng trưởng ở đô thị rất lớn. Trong khi để tăng trưởng được 1% GDP thì môi trường suy thoái 4%, vì vậy tất cả đô thị đều phải tính toán giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu” – Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nhìn nhận.Đồng quan điểm, TS Vũ Cảnh Toàn – Viện Khoa học môi trường và xã hội cho biết, hiện những biến đổi về khí hậu tạo ra thách thức rất lớn đến quá trình đô thị hóa.
Biến đổi này diễn ra với cường độ, tần suất theo hướng cực đoan, gia tăng, khó đoán, một phần nguyên nhân không nhỏ đến từ việc xây dưng hạ tầng đô thị. “Biến đổi khí hậu một phần là do quá trình đô thị hóa chưa hợp lý, rác thải, nước thải, khí thải chưa được xử lý một cách hiệu quả. Việc xây dựng hạ tầng đô thị cũng có tác động không nhỏ đến quá trình này do không đáp ứng được yêu cầu, công tác bảo trì, bảo dưỡng thiếu hiệu quả dẫn đến tình trạng quá tải. Quá trình san lấp, bê tông hóa quá mức làm giảm diện tích bề mặt thấm nước, không gian cho nước thoát tự nhiên… gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, là vấn đề lớn của đô thị hiện nay” – TS Vũ Cảnh Toàn cho hay.
Hướng tới tăng trưởng xanh
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Thị Lan Anh, hệ thống đô thị Việt Nam phát triển rõ nét ở 2 cực Bắc – Nam và ven biển, tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 40% nhưng vẫn được đánh giá còn ở mức thấp. Trong khi đó, kinh tế đô thị chiếm khoảng 70% GDP của cả nước, riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đóng góp tới 40%. Vì vậy quá trình đô thị hóa là cần thiết, phù hợp với xu thế trong giai đoạn mới.
Bài toán đặt ra là làm thế nào để hài hòa giữa mục tiêu đô thị hóa phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội, mà vẫn bảo vệ được môi trường sống, đồng thời có giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. “Vấn đề cấp bách hiện nay là cần bắt tay thực hiện ngay những dự án nâng cấp đô thị để nâng cao chất lượng cho các đô thị.
Đô thị cần phải được nâng cấp, mở rộng về quy mô, số lượng, chất lượng, bộ mặt kiến trúc đô thị thay đổi theo hướng hiện đại” – TS.KTS Trần Thị Lan Anh cho hay.Ngoài ra, xây dựng hạ tầng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là mục tiêu cần hướng tới trong quá trình đô thị hóa, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giai đoạn 2013 – 2020 thực hiện Quyết định số 2623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, một số chương trình trọng tâm đã được thực hiện như: Atlas Đô thị & Khí hậu; hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị lồng ghép với biến đổi khí hậu… Kế hoạch đến năm 2030, 60% đô thị loại III, 40% đô thị loại IV, V có hệ thống gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; 100% khu vực bị ô nhiễm được cải thiện về môi trường, tỷ lệ gom, xử lý chất thải rắn đô thị đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 35 – 45% đô thị lớn – trung bình sử dụng phương tiện giao thông công cộng; 50% đô thị lớn – trung bình đạt tiêu chuẩn đô thị xanh. “Để làm được điều đó cần tăng cường công tác tái chế, tái sử dụng chất thải – nước thải; xây dựng đề án đô thị thông minh, bền vững; ưu tiên những dự án BĐS có giải pháp về công nghệ, hạn chế nhu cầu sử dụng năng lượng để giảm phát thải khí CO2” – bà Trần Thị Lan Anh cho biết thêm.