Không phát triển ồ ạt sân bay
“Việc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay phải xác định rõ quy hoạch từng sân bay, khả năng trung chuyển, tính đến sự phát triển của kinh tế – xã hội; đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng và đồng bộ với quy hoạch của ngành Giao thông – Vận tải, mà không thể phát triển ồ ạt”. Đó là quan điểm được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo “Góp ý quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 3-3, tại Hà Nội.
Nhiều địa phương muốn có sân bay
Thời gian qua, dư luận “nóng” lên việc hàng loạt địa phương đề xuất được xây dựng cảng hàng không, sân bay. Cùng với đó, một số địa phương đang có sân bay cỡ nhỏ đề xuất được nâng cấp, phát triển trở thành cảng hàng không quốc tế. Gần đây nhất, UBND tỉnh Bình Phước vừa đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải bổ sung Cảng hàng không Bình Phước vào quy hoạch với lý do để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng địa phương.
Trước đó, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất chuyển sân bay quân sự kép thành sân bay lưỡng dụng để thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Tương tự, UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn (thành phố Phan Rang) hoạt động bay dân dụng.
Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải nghiên cứu bổ sung quy hoạch sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh. UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh tại hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên. Không muốn để lỡ cơ hội, UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch; hay tỉnh Hà Giang cũng muốn xây dựng sân bay tại huyện Bắc Quang.
Không chỉ đề nghị bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch, một số tỉnh đã có sân bay nội địa đề xuất chuyển thành cảng hàng không quốc tế như: Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)…
Cần đầu tư có trọng điểm
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong vòng 10 năm gần đây, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á. Đưa ra dự báo của Bộ Giao thông – Vận tải về nhu cầu của hành khách vào năm 2030 là 276 triệu lượt người và 4 triệu tấn hàng hóa; năm 2050 đạt 650 triệu hành khách và 16 triệu tấn hàng hóa, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, việc quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phải xác định quy hoạch từng sân bay, khả năng trung chuyển, tính đến sự phát triển của kinh tế – xã hội; đồng thời phù hợp với tốc độ phát triển của hàng không dân dụng, bảo đảm an ninh quốc phòng và đồng bộ với quy hoạch của ngành Giao thông – Vận tải.
Ông Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển nhận định, sẽ tốt hơn nếu trong 10 năm tới chỉ nên tập trung xây dựng một số sân bay trọng điểm, có thể cân đối được thu – chi để vận hành, đồng thời nâng cao khả năng vận tải của hệ thống đường bộ kết nối giữa các cảng hàng không. “Thực hiện như vậy sẽ vừa nâng cao hiệu quả đầu tư, vừa giúp các địa phương kết nối với cảng hàng không phục vụ nhu cầu phát triển của mình”, ông Phạm Bích San nêu quan điểm.
Lý giải về việc các địa phương đề xuất xin được bổ sung cảng hàng không, sân bay, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông – Vận tải đang xin ý kiến về Dự thảo quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó việc nhận được các đề xuất, ý kiến đóng góp từ các địa phương cũng là điều bình thường. Hiện đã có 22/63 tỉnh, thành phố có ý kiến, trong đó nhiều địa phương đề xuất bổ sung cảng hàng không ở địa phương mình vào quy hoạch.
Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, qua quá trình đánh giá, quan điểm của Cục là không phát triển ồ ạt mà đầu tư có trọng điểm, đầu tư cảng lớn về quy mô, năng lực. Về nguyên tắc, phát triển đến đâu, đầu tư đến đó chứ không thể tỉnh nào cũng có sân bay lớn. Mặt khác, sân bay là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ để phát triển kinh tế – xã hội ở một địa phương.