Đồ án điều chỉnh quy hoạch TP Đà Nẵng – Điểm nhấn sông Hàn.

 

Thành phố Đà Nẵng đang đầu tư mọi nguồn lực để định hướng cho một thời kỳ phát triển mới của đô thị Đà Nẵng.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được tư vấn thực hiện đã xác định, 10 năm tới (năm 2030) Đà Nẵng đạt dân số khoảng 1,97 triệu người, quy mô đất xây dựng đô thị hơn 34.000ha, chiếm hơn 35,5 % diện tích đất liền.

 

Thành phố Đà Nẵng sẽ có 3 vùng đô thị đặc trưng, 2 vành đai kinh tế (phía bắc là vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển-logistics, phía nam là vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao). Không gian đô thị được định hướng phát triển chia làm 12 phân khu. Nổi bật như phân khu ven sông Hàn và bờ đông diện tích hơn 6.500ha, dân số khoảng 484.000 người, là đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết hình thành đô thị nén tại trung tâm thành phố.

 

Một ý tưởng thiết kế cảnh quan cho sông Hàn trong tương lai

Phân khu cảng Liên Chiểu diện tích 1.258ha, dân số khoảng 19.000 người, phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics, Khu đô thị cảng biển; phân Khu Công nghệ cao diện tích khoảng 5.679ha, dân số dự kiến khoảng 314.000 người, phát triển công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghệ thông tin cùng với bến xe phía bắc, các khu đô thị đã và đang hình thành tại Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam.

 

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này cũng bổ sung hầm chui xuyên qua sân bay Đà Nẵng, hầm qua sông Hàn, cầu đường bộ nối đường 29 Tháng 3 với đường Bùi Tá Hán…

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng lần này cũng bổ sung hầm chui xuyên qua sân bay Đà Nẵng.

 

Đánh giá về đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà rất tán thành trong định hướng thiết kế đô thị Đà Nẵng đã chú ý đến một số điểm nhấn như khu vực hai bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà hay khu trung tâm thành phố…

 

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề nghị Đà Nẵng làm rõ thêm vấn đề bản sắc của đô thị Đà Nẵng. Đồng thời, Đà Nẵng cũng cần làm rõ mức độ đáp ứng và yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh trong kết hợp phát triển kinh tế để hài hòa trong phát triển.

Như vậy Đà Nẵng mới đáp ứng vai trò trong định vị chiến lược thúc đẩy sự phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 là thành phố một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; cổng vào của hành lang kinh tế Đông – Tây; tham gia mạng lưới thông minh ASEAN cũng như là điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.

 

Đánh giá về đồ án này, một chuyên gia nhấn mạnh khu vực hai bờ sông Hàn vẫn là điểm nhấn đặc biệt trong đồ án. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần quyết liệt hơn nữa khi hơn hai thập niên đô thị hóa Đà Nẵng cả không gian TP biến chuyển nhanh chóng nhưng một bản quy hoạch tổng thể và phát triển không gian hai bờ sông Hàn vẫn còn loay hoay.

 

TS.KTS Đỗ Tú Lan – nguyên phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng chỉ rõ thực tế nhìn lại hàng chục kilômet sông Hàn từ Cẩm Lệ đến cửa biển Thuận Phước do chú trọng “lấp đất đôn nền” hai thập niên qua nên các khu dân cư nằm dọc sông từ quận Sơn Trà chạy vào Ngũ Hành Sơn, từ Hòa Phước xuống đến Hòa Xuân phát triển tự phát, kiến trúc các công trình, nhà cửa lộn xộn, xấu xí.

 

Một ý tưởng thiết kế cảnh quan cho sông Hàn trong tương lai

 

KTS Đỗ Tú Lan đề nghị quy hoạch phát triển không gian hai bên bờ sông Hàn theo quan điểm sinh thái, phải khắc phục được những bất hợp lý như mật độ xây dựng dày đặc, không gian xanh quá ít…

Chia sẻ với DĐDN, các kiến trúc sư đầu ngành tâm huyết xác định, Đà Nẵng cần sự thay đổi về quy hoạch sông Hàn, tăng diện tích sử dụng đất công viên, cây xanh lên 15-20%; mở rộng quy mô sử dụng đất cho công viên, cây xanh. Đặc biệt, cần khống chế số lượng các công trình cao tầng ở mức vừa phải, không để tạo thành hai bức tường khổng lồ bên bờ sông.

 

Chia sẻ