Chưa đầy hai tuần, một số doanh nghiệp có mỏ được cấp phép trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) bán cát ra thị trường tăng vọt từ 90.000 đến 170.000 đồng.
Từ cuối tháng 3 đến nay, một số doanh nghiệp có mỏ được cấp phép khai thác trên sông Trà Khúc liên tục tăng giá bán cát ra thị trường từ 90.000 đồng lên đến 170.000, đến 23/4 thì điều chỉnh còn 140.000 đồng/m3.
Trước tình hình các điểm khai thác cát trái phép đóng cửa, hàng trăm tài xế xe tải đổ xô về mỏ cát Hợp Nghĩa ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi xếp hàng dài chờ mua cát trên dòng sông Trà Khúc.
Giá cát tăng chóng mặt
Theo các tài xế xe tải, giá cát tăng đột biến trong thời gian ngắn khiến giới tài xế lẫn người dân xây nhà đối mặt với nhiều khó khăn.
“Thấy nhiều xe tải đổ dồn về đây đông quá nên anh em tăng giá bán lên 170.000 đồng/m3 để họ rút đi bớt chứ xúc cát bán không kịp. Hiện, chúng tôi đã giảm giá bán mỗi khối cát xuống còn 140.000 đồng”, nhân viên quản lý mỏ cát Hợp Nghĩa giải thích
Hàng chục xe tải xếp hàng mua cát trên sông Trà Khúc ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, cho hay đến nay vẫn chưa có chế tài trong việc khống chế doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát bán vật liệu ra thị trường.
“Về nguyên tắc, doanh nghiệp bán cát giá cao thì phải có nghĩa vụ nộp thuế phần chênh lệch giữa mua và bán. Nếu họ lơ là khai báo, không xuất hóa đơn thì vi phạm luật thuế và bị xử phạt, truy thu tiền thuế giống như mọi ngành nghề kinh doanh khác”, ông Trung nhấn mạnh.
Cạnh tranh thiếu công bằng
Theo các doanh nghiệp, họ phải mất từ 6 tháng đến một năm mới hoàn thành thủ tục đấu giá mỏ cát gồm: Lập hồ sơ thăm dò, đánh giá trữ lượng, thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế, đánh giá tác động môi trường, thu thập ý kiến cộng đồng, họp bàn giao cắm mốc…
Các doanh nghiệp đấu giá mỏ phải nộp hàng tỷ đồng thuế tài nguyên, chi phí lớn thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế, đánh giá tác động môi trường, thu thập ý kiến cộng đồng…
“Chúng tôi phải điều chỉnh giá bán cát mới có thể bù lỗ cho các khoản chi phí đấu giá mỏ. Trong khi đó, những đơn vị khai thác cát trộm bán ra thị trường khoảng 50.000 đồng/m3 (giá bán thấp hơn 3 lần so với doanh nghiệp đấu giá mỏ) gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng”, đại diện Công ty TNHH một thành viên xây dựng Phú Gia Thịnh cho biết.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận có tình trạng nhiều mỏ cát cấp cho các dự án đầu tư công biến tướng, cung cấp cho các dự án đầu tư công thì một mà bán ra ngoài thì mười.
“Doanh nghiệp đấu giá mỏ cát với giá cao nhưng không bán được do các đơn vị khai thác cát lậu bán phá giá. Điều này dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo sự bất công về quản lý tài nguyên. Do vậy tôi yêu cầu các ngành, địa phương kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng này”, ông Minh nói.
Cát khan hiếm, một số doanh nghiệp tự ý nâng giá bán cát xây dựng gây nhiều khó khăn cho người dân
Trong khi đó, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng kế hoạch đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông do Sở Tài nguyên và Môi trường trình lên chưa phù hợp với các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quy hoạch chỉnh trị các dòng sông, quy hoạch đường thủy nội địa…
Ông Hiền lưu ý, các mỏ cát, sỏi lòng sông đủ điều kiện cấp phép phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch ngành liên quan và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Các địa phương phải kiểm tra tính khả thi, hiệu quả đối với các mỏ cát, sỏi đưa vào đấu giá, tránh tình trạng không thể tổ chức khai thác sau khi các đơn vị trúng đấu giá.
“Hiện ba mỏ cát trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có giấy phép khai thác còn hiệu lực.
Trong đó, năm 2018, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hợp Nghĩa đấu giá mỏ cát ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi rộng 11 ha với khoảng 18,2 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư hạ tầng Lũng Lô 251 đấu giá mỏ cát rộng 3 ha ở thôn Phước Lộc, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, với giá 5,7 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV XD Phú Gia Thịnh đấu giá mỏ cát rộng 3,5 ha ở thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh với giá 2,7 tỷ đồng.”