TT- Huế: Hướng đến đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam

 

Xây dựng một chính quyền phục vụ, một ĐTTM, tỉnh Huế phát triển dịch vụ ĐTTM, dựa trên nền tảng chính quyền điện tử, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tiếp cận trình độ quản lý của các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch…

 

Nhiều dịch vụ tiện ích

 

Đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025” với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm. Cổng thông tin dịch vụ ĐTTM là cổng thông tin duy nhất để kết nối, cung cấp dịch vụ ĐTTM và giải quyết mối quan hệ toàn diện giữa cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, công dân.

Từ tháng 8/2018, tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ ĐTTM (Hue-S), do Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Huế (IOC) điều hành. Trong đó, ứng dụng Hue-S phục vụ cho xã hội và ứng dụng Hue-G phục vụ cho công chức, viên chức, cơ quan nhà nước vận hành hệ thống dịch vụ ĐTTM.

 

TT- Huế: Hướng đến đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam

Theo ông Dương Văn Sỹ – Phụ trách Phòng giám sát Thông tin mạng và Truyền thông thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Huế, đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã thí điểm và đưa vào vận hành 10 dịch vụ ĐTTM như: Dịch vụ phản ánh hiện trường; Dịch vụ thông tin cảnh báo; Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera; Dịch vụ giám sát thông tin báo chí; Dịch vụ giám sát hành chính công; Dịch vụ giám sát quảng cáo điện tử; Dịch vụ giám sát hồ đập, môi trường; Dịch vụ giám sát tàu cá; Dịch vụ thẻ điện tử; Dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng… Các dịch vụ nhằm góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

Đến nay Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Huế đã nhận được 27.561 phản ánh, trong đó có 23.148 đủ điều kiện, 4.303 không đủ điều kiện xử lý và đã xử lý 20.940 phản ánh. Có 214 cơ quan tham gia xử lý trên hệ thống. Nhờ phản ánh hiện trường, góp phần thành công đề án “Ngày chủ nhật xanh” do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát động và đang trở thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Dịch vụ thông tin cảnh báo đã phát đi 866 thông tin về lĩnh vực thời tiết, thiên tai, giao thông, thông tin sai lệch, tội phạm lừa đảo, tệ nạn xã hội…

 

Trong giai đoạn chống dịch, bệnh Covid-19, việc kết hợp linh hoạt các hoạt động cũng đã mang lại hiệu quả, kết quả cao. Bão lụt cuối năm 2020, Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Huế đã xây dựng, kích hoạt, đưa vào vận hành một số dịch vụ ĐTTM phục vụ công tác phòng chống bão lụt như thông báo cảnh báo; hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp SOS, camera trực tuyến, các chức năng thông tin lượng mưa, mực nước các sông… giúp người dân chủ động ứng phó.

Dịch vụ giám sát hồ đập, môi trường đã 20 camera giám sát hồ, cảng cá đập được kết nối, trong đó 1 điểm giám sát chất lượng xử lý nước thải Khu công nghiệp; 2 điểm giám sát chất lượng không khí được đấu nối; 19 trạm đo mưa tự động đã kết nối, giám sát số liệu thời gian thực; 1 hệ thống giám sát kỹ thuật hồ Tả Trạch được tích hợp, hiển thị; 1 hệ thống giám sát áp lực nước từ Cty CP Cấp nước TT – Huế được liên kết, giám sát; 20 điểm đo thông số chất lượng nước được tích hợp, giám sát. Ngoài ra, có 350 tàu cá được giám sát, hỗ trợ, cảnh báo triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn khi phát sinh.

 

Dùng hệ thống thu thập tự động để giám sát

 

Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, kết quả đã lắp 1.500 camera được chấm điểm, quy hoạch, trong đó có 250 camera đã được lắp đặt, kết nối về HueIOC; 300 camera đang tiếp tục kết nối từ hệ thống xã hội hóa; Lắp đặt camera dọc tuyến QL1 và 2 cửa ngõ ra vào tỉnh; Xây dựng phần mềm quản lý – Giám sát phương tiện ra vào các cửa ngõ; Phát camera trực tiếp tại Hue-S, fanpage HueIOC, facebook phục vụ người dân trong đợt lụt bão vừa qua. Nhằm để quan sát, thu thập, xử lý đối với các mục tiêu đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông, an ninh và bảo vệ môi trường.

Ông Dương Văn Sỹ cho biết: Trong năm 2020 đã có hơn 2 triệu bản tin được hệ thống thu thập tự động, với 3.500 kênh báo điện tử, forum, blog… 64 triệu tài khoản Facebook, 8 triệu Group, Fanpage, 500.000 kênh Youtube được theo dõi hàng ngày. Qua đó, đã có 423.857 bản tin đã được xác minh (tích cực, tiêu cực, trung lập, spam). Nhằm giám sát hiệu quả các tin bài nói về địa phương và lãnh đạo. Kích hoạt kịp thời các kịch bản “Chống khủng hoảng truyền thông. Sẵn sàng điều kiện cho Mạng lưới phát ngôn của tỉnh hoạt động.

 

Huế Hướng đến đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam

Hệ thống dịch vụ giám sát hành chính công đã nhận diện được 267.807 hồ sơ vi phạm. Trong đó, vi phạm về số lần hướng dẫn 317 hồ sơ; Thời gian xử lý 403 hồ sơ; Không tạo tài khoản 95.727; Nội dung hướng dẫn 627 hồ sơ; Thành phần hồ sơ khác 170.733 hồ sơ.

Với những kết quả đã được, Trung tâm HueIOC đã nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2019 với hạng mục cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, danh hiệu Sao Khuê 2020 cho Giải pháp phản ánh hiện trường là dịch vụ xuất sắc lĩnh vực chuyển đổi số.

Trong thời gian tới, Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Huế sẽ đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các dịch vụ ĐTTM, tích hợp giám sát toàn diện các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông và môi trường.

Tại cuộc làm việc với ông Nguyễn Thanh Nam – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Huế mong muốn Viettel tiếp tục hỗ trợ tỉnh hoàn thiện và nâng tầm mô hình ĐTTM bằng các giải pháp cụ thể, có tính ứng dụng cao.

Tỉnh luôn sẵn sàng để Viettel thí điểm các giải pháp trung tâm điều hành thông minh cơ động phục vụ tiện ích cho công tác lãnh chỉ đạo của tỉnh; đi tiên phong trong việc phủ sóng ứng dụng 5G; nâng cấp đường truyền đáp ứng giải quyết thủ tục hành chính liên thông; chuyển đổi số ở một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế… Đặc biệt, giúp Huế xây dựng thương hiệu Hue-S thành mạng xã hội. Qua đó, Hue-S trở thành đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ ĐTTM của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn.

 

Chia sẻ