Quy hoạch 4 quận nội đô Hà Nội: Tăng cao ốc có gây ùn tắc?
TP – Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) cho phép xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng dọc các trục đường chính và xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị có gây thêm áp lực về giao thông?
Giảm mật độ dân cư
Thành phố Hà Nội vừa công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỷ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng; với yêu cầu chính là kiểm soát dân số tại 4 quận. Các đồ án nhằm mục tiêu giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân. Đáng chú ý, tại Đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-2 thuộc địa giới hành chính quận Ba Đình đã định hướng các khu tập thể, chung cư cũ khi cải tạo sẽ giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao, ưu tiên bổ sung hệ thống hạ tầng đô thị, công trình công cộng, không gian xanh, cải thiện môi trường.
Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm, các khu vực tái thiết đô thị, khu vực điểm nhấn đô thị như: xung quanh hồ Giảng Võ, khu đất số 29 Liễu Giai, 148 Giảng Võ, các khu vực xung quanh nhà ga đường sắt đô thị…
Ông Nguyễn Đỗ Dũng (TGĐ Cty Tư vấn enCity – đơn vị đạt giải nhất ý tưởng quy hoạch TP Thủ Đức), nhận xét: “Một điểm sáng của đồ án là xác định rõ ưu tiên phát triển. Mặc dù chủ trương chung là kiểm soát dân số và hạn chế nhà cao tầng, đồ án không “vơ đũa cả nắm” mà vẫn khuyến khích phát triển mật độ cao dọc theo các trục đường chính và gần các nhà ga đường sắt đô thị. Điều này rất hợp lý bởi chúng ta vẫn cần cải tạo đô thị và khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông được đầu tư mới”.
Quy hoạch 4 quận nội đô Hà Nội: Tăng cao ốc có gây ùn tắc?
Cần hiện thực hóa và quản lý tốt quy hoạch
Ông Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng, nhà cao tầng không đồng nghĩa với mật độ dân số cao bởi vì còn phụ thuộc vào mật độ xây dựng và phân bố chức năng sử dụng đất.
Ưu điểm của nhà cao tầng là dễ bố trí không gian cây xanh và tiện ích cộng đồng do mật độ xây dựng không quá 50% quỹ đất. Trong khi đó mô hình nhà ống thường chiếm dụng tới 80% – 100% quỹ đất nên không còn chỗ cho không gian xanh. “Việc hạn chế nhà cao tầng chỉ là giải pháp tình thế khi chúng ta không có cơ chế hữu hiệu để chuyển đổi một lượng nhà thấp khổng lồ thành nhà cao tầng”, ông Dũng nói.
Góp ý thêm vào tiến độ giãn dân, ông Nguyễn Đỗ Dũng đề xuất, thành phố cần có cơ chế áp thuế đầy đủ hơn với bất động sản như ở các nước phát triển. Thành phố có thể thu về từ việc giá bất động sản tăng lên do đầu tư công (mở đường, xây công viên) và có nguồn lực để đẩy nhanh việc thu hồi quỹ đất cho xây dựng hạ tầng. Đối với các trụ sở và cơ sở công ích, rất nhiều trong số đó thuộc quản lý của các cơ quan trung ương, phải di dời ra ngoài khu nội đô lịch sử thì cần có quy định cho phép chuyển đổi một phần quỹ đất để làm công trình công cộng cho thành phố thay vì chuyển đổi toàn bộ quỹ đất đó cho mục đích khác như thương mại hay khu dân cư, dẫn đến gia tăng dân số và tiếp tục gây áp lực lên hạ tầng.
KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nhấn mạnh yếu tố nguồn lực để hiện thực hóa đồ án. Cùng quy hoạch là việc hoàn thiện hệ thống quy định từ quản lý, sở hữu đến quy chuẩn kỹ thuật cho loại công trình này. Đó là nguồn lực căn bản để phát triển đồng bộ, tránh tình trạng quy hoạch treo.
Vậy tăng thêm cao ốc có làm gia tăng áp lực giao thông vốn đã rất nhức nhối? KTS Ánh cho rằng điều này không chỉ phụ thuộc vào chất lượng quy hoạch ban đầu mà còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng hiện thực hóa quy hoạch và quản lý quy hoạch. Thực tế tại Hà Nội, đã có rất nhiều dự án cao tầng mọc lên gây ùn tắc giao thông nhưng vẫn được thuyết minh là “đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu quy hoạch”. Nguyên nhân là hàng loạt tuyến đường, hạ tầng vẽ ra rất đẹp nhưng hầu như chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó các dự án cao ốc tiếp tục được thành phố phê duyệt theo hướng “phù hợp quy hoạch”.